- Tổng thống Pháp lên án biểu tình bạo lực và bài Do Thái
- Pháp triệu hồi đại sứ ở Rome để phản đối Phó Thủ tướng Italia
- Làm sao nước Pháp tháo "ngòi nổ áo vàng"?
Alexandre Benalla - cựu trợ lý an ninh của Tổng thống Emmanuel Macron đã bị sa thải từ tháng 7-2018
Bản báo cáo dài 120 trang về “vụ Benalla” đã được công bố hôm 20-2 sau một cuộc điều tra kéo dài 6 tháng về hành vi bạo lực của Alexandre Benalla, cựu phụ tá hàng đầu về an ninh của Tổng thống, trong một cuộc biểu tình trên đường phố Paris. Theo đó, Benalla, 27 tuổi đã bị chất vấn về việc mặc đồng phục cảnh sát tấn công 2 người biểu tình vào ngày 1-5-2018. Ủy ban Thượng viện kết luận Benalla “thiếu kinh nghiệm” và đã được trao quyền lực quá mức.
Sự việc đã không được báo cho nhà chức trách sớm hơn dẫn đến nghi ngờ đội ngũ phụ trách cố tình “ỉm đi” và vẫn cho phép Benalla tiếp tục làm việc cho đến khi đoạn video ghi được cảnh đó lan truyền trên mạng xã hội. Báo cáo của Ủy ban Thượng viện về “vụ Benalla” cho biết thêm, họ có bằng chứng cho thấy an ninh của ông Macron đã bị xâm phạm. Cựu cận vệ Benalla còn bị cáo buộc liên kết đến một đầu sỏ chính trị Nga, tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Tổng thống và lợi ích quốc gia.
Văn phòng Tổng thống Pháp hiện cũng đang phải chịu áp lực về việc không đảm bảo để Benalla trả lại 2 hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao cấp theo yêu cầu của điện Élysée. Đặc biệt, người ta muốn biết tại sao hộ chiếu thứ hai lại được phát hành vào ngày 24-5-2018, ba tuần sau khi Benalla bị đình chỉ vì hành vi bạo lực của mình vào ngày 1-5. Trong lời khai trước một ủy ban điều tra của Thượng viện vào ngày 19-9-2018, Benalla khai gian dối rằng anh ta đã để lại hộ chiếu trong văn phòng của mình tại điện Élysée khi bị sa thải vào tháng 7-2018.
Theo tiết lộ của trang web điều tra Mediapart và Le Monde hồi tháng 12-2018, Benalla đã không trả lại 2 hộ chiếu ngoại giao đã được cấp trong thời gian làm việc cho ông Macron. Trong những tháng gần đây, anh ta đã sử dụng hộ chiếu để đến Israel và châu Phi.
Benalla sống cùng vợ và một con nhỏ ở London, nơi anh ta xưng là “chuyên gia tư vấn” trong các giao dịch vũ khí quốc tế. Doanh nhân mang 2 dòng máu Pháp và Israel có tên Philippe Hababou Solomon nói với Le Monde, rằng ông gặp Benalla qua một người bạn chung sau vụ bê bối mùa hè năm ngoái và thuê anh ta làm trung gian cho các “dự án hợp tác tư nhân Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Phi”. Solomon đánh giá Benalla “rất tài giỏi... Anh ta có thể giúp tôi rất nhiều vì anh ta biết được đâu là hoạt động bên trong của một nhà nước”.
Đầu tháng 12-2018, Benalla đã đi trên một chiếc máy bay riêng từ Yaoundé, Cameroon, đến N'Djamena, Thủ đô của Chad, nơi anh ta gặp Tổng thống Idriss Déby và anh trai Oumar, người chịu trách nhiệm mua sắm quân sự. Trước đó, vào hồi tháng 10, Benalla và Solomon đã cùng nhau đến Cộng hòa Congo, miền Trung Phi nhiều tài nguyên dầu mỏ. Họ ở lại trong dinh thự của Tổng thống Denis Sassou-Nguesso. Benalla cũng đã gặp gỡ với Giám đốc nội các của Tổng thống Cameroon, Paul Biya. Đây đều là những quốc gia châu Phi có quan hệ lâu đời với nước Pháp.
Khi vụ bê bối Benalla nổ ra vào mùa hè năm ngoái, Tổng thống Macron cho rằng đây là “việc bé xé ra to”, nhưng rõ ràng ông đang tiếp tục hứng chịu những điều tiết lộ ngày càng tai hại. Đơn cử như cơ quan hữu trách mới phát hiện, Benalla đã được phép sử dụng phương tiện cao cấp nhất, chưa từng có tại Elysée - bao gồm cả việc cho phép mang vũ khí trong trường hợp nghi vấn.
Patrick Strzoda, Giám đốc nội các của Tổng thống Macron cuối năm ngoái cũng đã viết thư cho Benalla, yêu cầu cung cấp tất cả các thông tin thích hợp về việc anh ta chuyển sang nghề tư vấn. Trong một bức thư được sao chép cho công tố viên Paris, ông Strzoda yêu cầu Benalla tôn trọng “nghĩa vụ giữ bí mật và nghĩa vụ đạo đức liên quan đến công việc trong quá khứ”.
Sau nhiều tháng, vụ việc liên quan đến Alexandre Benalla - cựu trợ lý an ninh của Tổng thống Emmanuel Macron được xới lại vào đúng thời điểm không may đối với ông Macron, đó là khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống ở mức thấp kỷ lục và nước Pháp bị khuấy động bởi cuộc biểu tình của những người “áo vàng” cứng rắn và manh động.