Cười ra nước mắt cảnh uống rượu bị Cảnh sát giao thông “thổi cồn”, vứt xe bỏ chạy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phóng chiếc xe “cà tàng”, chân chỉ đi đúng đôi dép tổ ong và bộ dạng say lướt khướt, khi thấy Cảnh sát giao thông tuýt còi dừng xe, người đàn ông liền nhảy xuống vứt xe bỏ chạy thục mạng. Rất nhiều chuyện cười ra nước mắt khi xử lý nồng độ cồn của cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an huyện Ba Vì, Hà Nội.

Sáng sớm không có tí men là không chịu được

Nếu ở khu vực nội đô, người dân thường rủ nhau làm chầu nhậu giờ nghỉ trưa hoặc cuối giờ chiều khi tan làm, thì ở huyện miền núi Ba Vì, người ta uống rượu từ sáng sớm.

“Sáng mà không có tí men là khó chịu lắm, không làm được việc gì cán bộ ạ!”. “Ơ hay, chúng tôi phải uống mới có tinh thần ra đồng chứ”. “Sao các anh lại đo nồng độ cồn làm gì? Người ta nấu rượu ra để cho mình uống chứ không thì họ bán cho ai?”. “Cán bộ bảo đã uống rượu bia thì không lái xe nên tôi vứt xe lại còn chạy bộ về nhà cũng vi phạm à?”. “Vợ chồng cãi nhau uống tí giải sầu thôi anh”…

Người đàn ông này vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất - trên 0,4mg/lít khí thở

Đây là tổng hợp những câu trả lời khiến cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an huyện Ba Vì không biết nên cười hay nên khóc. Những tình huống "khó đỡ" này diễn ra thường xuyên kể từ khi đơn vị triển khai cao điểm xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông, theo Kế hoạch của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông và CATP Hà Nội.

“Ba Vì là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Ở đây dân trí còn thấp, đa số vẫn làm nông nghiệp nên nhận thức về pháp luật chưa cao. Chưa kể là những tập tục văn hóa làng xã từ xa xưa tới nay vẫn còn tồn tại, như là việc uống rượu trong các ngày lễ lạt, hội hè, ma chay, cưới hỏi… Rất nhiều người còn có thói quen sáng sáng rủ nhau đi ăn bát cháo cũng phải uống rượu, nên tình hình vi phạm nồng độ cồn ở đây có những nét đặc thù” - Thiếu tá Trương Công Mạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an huyện Ba Vì cho biết.

Lực lượng chức năng kiểm tra ngay cả phụ nữ

Lực lượng chức năng kiểm tra ngay cả phụ nữ

Ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô, không chỉ đàn ông mới uống rượu mà ngay cả phụ nữ ở đây cũng có thói quen nhậu nhẹt. Không ít trường hợp khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn thì quay đầu xe bỏ chạy, hoặc vứt cả xe. Cũng bởi biết rằng, nếu bị xử lý vi phạm, có khi tiền phạt cao hơn cả giá trị chiếc xe.

Những tình huống bi hài cười ra nước mắt đôi khi cũng trở thành một câu chuyện giải tỏa áp lực trong những ngày nắng nóng cho cán bộ chiến sĩ. “Có người khi bị chúng tôi lập biên bản vi phạm nồng độ cồn thì khóc lóc kêu là không có tiền. Hỏi thế sao biết uống rượu rồi lái xe là vi phạm mà vẫn uống thì người ta kêu uống một tí mới vui, nghĩ vừa bực vừa thương lại buồn cười. Nhưng nếu không xử lý mà không may xảy ra tai nạn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?!” - Một chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an huyện Ba Vì nói.

Kiên quyết dù “mất lòng trước”

Mới đây, ngày 5-5-2022, tại địa bàn thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 người trong một gia đình tử vong. Trên cơ sở đánh giá tình hình vi phạm liên quan đến nồng độ cồn tại địa bàn, Đội Cảnh sát giao thông trật tự đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã, thị trấn;

Thông tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội, Fanpage của Đoàn thanh niên, các hội nhóm. Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức các hội nghị, mời người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn tham dự, mục đích là phổ biến kế hoạch xử lý của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Ba Vì, và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc đảm bảo an toàn tính mạng của cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông.

Lái xe có dấu hiệu nghi vấn sử dụng rượu bia đều được yêu cầu đo nồng độ cồn

Lái xe có dấu hiệu nghi vấn sử dụng rượu bia đều được yêu cầu đo nồng độ cồn

Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức điều tra cơ bản các khu vực, tuyến đường, khung giờ… thường xuyên xảy ra vi phạm để bố trí cán bộ chiến sĩ tuần lưu kết hợp với cắm chốt xử lý. Qua đó, Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an huyện Ba Vì đã thành lập các tổ công tác, mỗi tổ gồm từ 6-8 đồng chí, trong đó bố trí cán bộ hóa trang mật phục tại các khu vực có nhiều quán ăn, nhà hàng, quán nhậu… nhằm phát hiện, thông báo những trường hợp nghi vấn vi phạm nồng độ cồn.

Bên cạnh việc cắm chốt xử lý, cán bộ chiến sĩ cũng tổ chức tuần tra kiểm soát, phát hiện cá nhân có dấu hiệu sử dụng rượu bia rồi lái xe sẽ áp sát, đo nồng độ cồn và đưa về chốt lập biên bản.

Nhiều trường hợp vi phạm phân trần với đủ lý do dở khóc, dở cười

Nhiều trường hợp vi phạm phân trần với đủ lý do dở khóc, dở cười

“Khác với nội đô, ở đây chúng tôi tổ chức xử lý vào ba khung giờ, từ 8h đến 10h sáng, 12h30 đến14h30 chiều và từ 19h đến trước 22h đêm để phù hợp với tình hình thực tế địa bàn. Đặc biệt, chúng tôi cũng đề nghị người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… quán triệt đến cán bộ, công nhân viên về kế hoạch xử lý và không bỏ qua bất cứ một trường hợp vi phạm nào dù có được can thiệp. Chúng tôi xác định, thà mất lòng trước còn hơn để lỗi vi phạm này trở thành mối nguy hại cho người tham gia giao thông” - Chỉ huy Công an huyện Ba Vì khẳng định.

CBCS Công an huyện Ba Vì làm việc dưới thời tiết nắng nóng

CBCS Công an huyện Ba Vì làm việc dưới thời tiết nắng nóng

Trong quá trình xử lý, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do dân trí thấp, lại là huyện miền núi nên người dân không hiểu biết về pháp luật, khi bị xử lý thì có biểu hiện chống đối. Tuyến đường rộng, nhiều ngã ba, ngã tư nên người vi phạm khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ có thể quay đầu bỏ chạy.

Lường trước được các tình huống, do vậy, các tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn thường phải có từ 6-8 cán bộ chiến sĩ để chặn giữ, trấn áp, đảm bảo an toàn cho cán bộ thực thi nhiệm vụ và bản thân người vi phạm cũng như những người tham gia giao thông xung quanh.

Sau một tuần triển khai cao điểm, Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an huyện Ba Vì đã xử lý 14 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 11 trường hợp xe chở quá khổ quá tải, và 16 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.

Dù thời tiết nhiều ngày nắng gay gắt khiến cán bộ chiến sĩ rất vất vả, thậm chí những chiếc áo mang màu nắng ướt đẫm mồ hôi. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm vì cuộc sống bình yên của nhân dân, lực lượng Cảnh sát giao thông trật tự - Công an huyện Ba Vì sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hết mình, để tai nạn giao thông do rượu bia, chất kích thích và các vi phạm khác không còn là nỗi ám ảnh của một người khi ra đường.