- Đoàn kết để định hình tương lai, bảo vệ lợi ích người dân
- Tổng thống Putin và Trump sẽ gặp nhau tại hội nghị G20
- Ông Putin nhiều khả năng sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh "Con đường tơ lụa"
Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tại Hội nghị An ninh Munich
Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich đang diễn ra ở Đức, ông S. Lavrov nêu rõ Nga không tìm kiếm xung đột với bất cứ ai, nhưng sẽ bảo vệ các lợi ích của mình. Đây là phản ứng của Nga sau khi Phó tổng thống Mỹ M. Pence, cũng trong phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, tuyên bố Mỹ tiếp tục giữ lập trường rằng Nga phải tôn trọng hiệp ước hòa bình Minsk và giảm bạo lực tại miền Đông Ukraine.
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trong thời gian gần đây ngày càng trầm trọng hơn, nguy hiểm hơn so với cuộc đối đầu giữa hai cường quốc trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Sau hàng thập kỷ khó khăn khi Liên Xô tan vỡ, nước Nga đang lấy lại vai trò và ảnh hưởng của mình. Việc Nga và quân đội Chính phủ Syria đang tỏ rõ ưu thế trên chiến trường trong cuộc chiến với khủng bố và lực lượng đối lập là điều mà Mỹ và phương Tây chưa từng tính tới.
Trong khi đó, ưu thế vượt trội của Mỹ không còn nữa. Số liệu gần đây của Bloomberg cho thấy vào năm 2001, GDP của Mỹ (10,6 nghìn tỷ USD) gấp 8 lần Trung Quốc. Đến năm 2015, GDP của Mỹ (18 nghìn tỷ USD) chỉ gấp 1,6 lần Trung Quốc (11,4 nghìn tỷ USD). Với đã này, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới.
Thế nhưng vẫn như trước đây, Mỹ giữ quan niệm về “ưu thế” và không chấp nhận chia sẻ vai trò lãnh đạo. Trong bài phát biểu tại Học viện Quân sự West Point vào năm 2014, Tổng thống Mỹ khi đó là B. Obama từng tuyên bố: “Nước Mỹ phải luôn đi đầu trên trường quốc tế. Nếu không phải là nước Mỹ thì cũng sẽ không có ai khác làm được”.
Trong con mắt của Nga, Mỹ và phương Tây muốn “áp đặt” hơn là đối thoại. Chẳng hạn, việc khối quân sự NATO tăng cường các cơ sở hạ tầng quân sự, không ngừng xây dựng các hệ thống phòng thủ cũng như thành lập các đơn vị vũ trang tiến sát biên giới Nga sẽ phá vỡ sự ổn định chiến lược tại lục địa châu Âu. Tuy nhiên, bất chấp sự phản ứng của Nga, Mỹ và NATO vấn tiếp tục kế hoạch “Đông tiến” của mình.
Ngoại trưởng Nga S. Lavrov từng tuyên bố rằng NATO là “một thể chế thời Chiến tranh Lạnh” và việc mở rộng liên minh quân sự này đã dẫn đến tình trạng căng thẳng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua ở châu Âu. Đáp lại, Nga đã cho triển khai các tên lửa chiến thuật hiện đại Iskander-M đến đến vùng lãnh thổ Kaliningrad sát với các nước Baltic là thành viên của NATO.
Không những thế, thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu đã vượt xa khỏi phạm vi tư duy hợp lý và lành mạnh khi thường xuyên sử dụng “tiêu chuẩn kép” để phục vụ lợi ích thực thi kế hoạch địa chiến lược của họ và đối tượng bị áp đặt nhiều nhất vẫn là các nước có mô hình chính trị khác với nền dân chủ phương Tây Chính vì thế theo Nga, thế giới cần xây dựng một “trật tự mới”.
Trong một tuyên bố trước báo giới hồi tháng Giêng vừa qua, Tổng thống Nga V. Putin cho rằng: “Mô hình sắp xếp thế giới đơn cực đã không còn. Các dân tộc và các nước ngày càng lớn tiếng tuyên bố cương quyết tự xác định số phận của mình, gìn giữ sự văn minh và văn hóa của mình. Họ chống lại mưu đồ của một số nước bám lấy sự chi phối trong lĩnh vực quân sự, chính trị, tài chính, kinh tế và hệ tư tưởng”.
Cụ thể hóa ý tưởng của Tổng thống V. Putin, tại Hội nghị An ninh Munich lần này, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov kêu gọi thiết lập “một trật tự hậu phương Tây”, với “những giá trị hậu phương Tây” như công lý, lòng khoan dung, tự do, các quyền dân sự và quyền con người, xã hội cởi mở và hòa bình. Đó là bước đi của Nga tiến tới xóa bỏ trật tự thế giới hình thành sau Chiến tranh Lạnh, điều mà Mỹ và phương Tây dường như vẫn muốn giữ nguyên trạng.