Cuộc thử nghiệm bí mật chia tách hàng chục trẻ em Greenland khỏi quê hương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cách đây 70 năm, 22 đứa trẻ Inuiit ở Greenland đã bị chia tách khỏi gia đình. Vào thời điểm đó, Greenland là thuộc địa của Đan Mạch và chính quyền bảo hộ muốn tạo ra một bộ phận dân cư nòng cốt cho hòn đảo sau này. Nhưng rốt cuộc, đây là một thử nghiệm xã hội thất bại.

Cô bé 7 tuổi Helene Thiesen trên con tàu chở khách MS Disko nhìn ra xa và biết rằng mình đang từ Greenland đến một nơi có tên là Đan Mạch. Điều Thiesen không thể hiểu được là tại sao mẹ mình lại đồng ý để cô đi vào cái ngày bất hạnh của năm 1951 đó. “Tôi rất buồn” - bà Thiesen hiện đã 77 tuổi nhớ lại. Thiesen buồn đến mức không thể vẫy tay chào mẹ và 2 anh chị em khi họ đứng ở bến cảng ở thủ phủ Nuuk của Greenland tiễn đoàn. Đó là 1 trong 22 trẻ em người Inuit bị đưa đi khỏi nhà mà không biết rằng họ sẽ trở thành một phần của thử nghiệm xã hội. Những đứa trẻ từ 5 đến 9 tuổi này phần lớn sẽ không bao giờ gặp lại gia đình nữa. Và kết quả là chúng bị lãng quên, bị gạt ra ngoài lề xã hội nơi đất khách quê người.

22 trẻ em bị tách ra khỏi Greenland đến Đan Mạch hơn 70 năm trước

22 trẻ em bị tách ra khỏi Greenland đến Đan Mạch hơn 70 năm trước

Công cuộc đồng hóa

Vào thời điểm đó, Greenland là thuộc địa của Đan Mạch và người dân ở đây có tỷ lệ đói nghèo, tử vong cao, chất lượng cuộc sống thấp. Mục đích của Đan Mạch là “biến những người Đan Mạch nhỏ bé trở thành trí thức, giữ vai trò lãnh đạo Greenland sau này” - Einar Lund Jensen, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng quốc gia Đan Mạch và là đồng tác giả một báo cáo gần đây do chính phủ ủy quyền điều tra cuộc thử nghiệm cho biết.

Mục đích của thử nghiệm vào năm 1950 là tuyển mộ trẻ mồ côi, nhưng rất khó để tìm đủ trẻ. Vì thế, người ta đến các hộ gia đình không mẹ hoặc không cha và 22 trẻ em đã được chọn. Mẹ của Thiesen góa chồng, ban đầu bà không muốn giao con mình đi, nhưng sau đó đồng ý vì được hứa rằng Thiesen sẽ được học hành tốt hơn.

Theo nhiều cách, cuộc sống mới đã có tác động tàn phá và xóa bỏ văn hóa bản địa trong những đứa trẻ này. Các em đã trải qua 4 tháng đầu tiên ở Đan Mạch tại một trại nghỉ mát được gọi là Fedgaarden của Save the Children. Những đứa trẻ bị cấm nói tiếng Greenland - một phương ngữ của người Inuit - và thay vào đó được dạy tiếng Đan Mạch. Chúng vừa kinh hãi vừa ngạc nhiên trước môi trường mới. Sau đó, mỗi em được đưa về gia đình bố mẹ nuôi khoảng 1 năm. Thiesen không cảm thấy được chào đón trong ngôi nhà đầu tiên. “Ngày nào tôi cũng nhớ nhà” - bà nói. Gia đình bố mẹ nuôi thứ hai của bà tốt bụng hơn, họ mua cho Thiesen chiếc xe đạp, búp bê và coi như con cái trong gia đình. Đến thời điểm trở về Greenland, 6 trong số những đứa trẻ Inuit vẫn ở lại Đan Mạch. Nhà sử học Jensen cho biết: “Việc nhận con nuôi hoàn toàn đi ngược lại ý tưởng ban đầu là đưa họ trở lại Greenland để trở thành tầng lớp trí thức ưu tú. Theo tôi, đó là một sai lầm”.

Họ trở về Greenland vào tháng 10-1952 và được đưa vào trại trẻ mồ côi do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch điều hành ở Nuuk. Quyền chăm sóc trẻ đã được chuyển giao cho hiệu trưởng. Thiesen chỉ gặp mẹ một vài lần trong suốt 7 năm ở trại. “Khi gia đình đợi bên cầu tàu ở Nuuk, tôi bỏ cả vali để chạy đến chỗ họ, kể cho họ nghe tất cả những gì tôi thấy. Nhưng mẹ không trả lời” - bà Thiesen kể. Đó là bởi vì bà nói tiếng Đan Mạch và người mẹ nói tiếng Inuit - thứ ngôn ngữ mà Thiesen đã mất khả năng hiểu. Cuộc hội ngộ của họ kéo dài 10 phút và bà đã khóc suốt con đường đến trại trẻ.

Trại trẻ mồ côi ở Nuuk là nơi trú thân của 16 đứa trẻ tương tự như Thiesen. Các em chỉ được phép nói tiếng Đan Mạch, liên lạc với gia đình ruột thịt bị hạn chế hoặc không tồn tại. Không ai nói với cô bé Heinesen rằng mẹ ruột của cô đã qua đời ngay sau khi cô gia nhập trại trẻ. Họ đã đăng ký vào một trường học bằng tiếng Đan Mạch và những người duy nhất mà bọn trẻ được phép giao lưu là các gia đình Đan Mạch nổi tiếng sống ở Nuuk. Người dân Greenland bắt đầu coi bọn trẻ như những người ngoài cuộc. Ông Gabriel Schmidt, 76 tuổi, 1 trong 6 người còn sống sau thử nghiệm xã hội này kể rằng, trẻ em Greenland đã ném đá và bảo họ không phải là người Greenland, nhưng họ cũng không hiểu vì đã mất ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Greenland được hòa nhập hoàn toàn vào Đan Mạch năm 1953 và năm 1979 thì được trao quyền tự trị. Trong giai đoạn đó, các nhà chức trách Đan Mạch và Greenland đã mất hứng thú với thử nghiệm xã hội khi các dự án cơ sở hạ tầng, lĩnh vực kinh doanh và cải cách chăm sóc sức khỏe của Greenland là trung tâm. Đến năm 1960, tất cả những đứa trẻ đã rời trại trẻ mồ côi, và hầu hết chuyển về Đan Mạch. Ông Schmidt trở về Đan Mạch để sống với mẹ nuôi, rồi trở thành lính đặc nhiệm trong quân đội Đan Mạch. Ông bị coi là “một kẻ ngoại đạo” ở chính quê hương Greenland của mình. Còn Thiesen thì cứ dằn vặt mãi về quyết định của mẹ ruột. “Tôi nghĩ, mẹ tôi không muốn sự có mặt của tôi. Đó là lý do tại sao tôi giận bà gần như cả cuộc đời” - bà nói. Nhưng chỉ đến năm 1996, khi Thiesen 46 tuổi, bà mới phát hiện ra sự thật. Nhà văn Tine Bryld đã gọi điện cho Thiesen báo rằng: “Tôi đã tìm thấy thứ gì đó ở Copenhagen, bạn đã là một phần của một cuộc thử nghiệm”. Khi đó, bà Thiesen ngã xuống đất và khóc. Đó là lần đầu tiên bà được nghe về điều này, nó thật kinh khủng.

Ông Gabriel Schmidt, một trong 6 người còn sống xem lại các bức ảnh kỷ niệm

Ông Gabriel Schmidt, một trong 6 người còn sống xem lại các bức ảnh kỷ niệm

Chính phủ công khai xin lỗi

Lý do của việc thực hiện thử nghiệm này là Đan Mạch cảm thấy cần phải hiện đại hóa thuộc địa Bắc Cực với hy vọng giữ được lợi ích của chính quốc khi các phong trào phi thực dân hóa xuất hiện. Ý tưởng xuất phát từ tổ chức nhân quyền Save the Children Đan Mạch, trong đó đưa trẻ em Inuit đến Đan Mạch để cải thiện điều kiện sống của chúng. Nhưng theo nhà sử học Jensen, có đến một nửa trong số này khi trưởng thành mắc bệnh tâm thần hoặc các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện. Còn Thiesen nói, nhiều người thất nghiệp và có cuộc sống khó khăn. Chính phủ đã “lấy đi danh tính và gia đình của chúng tôi” - bà Kristine Heinesen, 76 tuổi, là 1 trong 6 người trong cuộc thử nghiệm còn sống cho đến ngày nay cho biết. Bà Heinesen thừa nhận cuộc sống khá ổn kể từ những ngày ở trại trẻ mồ côi. “Nhưng tôi biết nhiều người khác phải chịu đựng nhiều hơn khi lớn lên” - bà nói.

Tổ chức Save the Children đã xin lỗi vào năm 2015 vì tham gia cuộc thử nghiệm xã hội này. Chính phủ Đan Mạch đã đưa ra lời xin lỗi 5 năm sau đó do áp lực từ các nhóm vận động, nhưng đã từ chối bồi thường cho những người vẫn còn sống. Luật sư của các nạn nhân là ông Mads Kroger Pramming cho biết đã đệ đơn yêu cầu bồi thường 250.000 kroner (38.000 USD) mỗi người tại tòa án Copenhagen vào cuối tháng 12-2021. 6 người cáo buộc nhà nước Đan Mạch hành động “vi phạm luật hiện hành của Đan Mạch và quyền con người, bao gồm quyền của nguyên đơn đối với cuộc sống riêng tư và gia đình theo Điều 8 của Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR)”. Phiên điều trần có thể sẽ diễn ra trong 10 tháng tới và “chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính phủ sẽ giải quyết vụ việc, bồi thường trước phiên điều trần” - luật sư Pramming nói. Sau tất cả những gì các nạn nhân đã trải qua, “họ không nghĩ một lời xin lỗi là đủ” - ông nói thêm.

Ngôi nhà của bà Thiesen ở Stensved, Đan Mạch hiện giờ có nhiều hiện vật gắn với nguồn gốc Greenland

Ngôi nhà của bà Thiesen ở Stensved, Đan Mạch hiện giờ có nhiều hiện vật gắn với nguồn gốc Greenland

Bà Thiesen đã dành phần đời còn lại của mình để cố gắng kết nối lại với Greenland và dân tộc mình. Tại nhà của bà ở Stensved - một thị trấn nhỏ cách Copenhagen 1,5 giờ đồng hồ - có chiếc tủ bày các bức tượng thần thoại của người Inuit. Bà học tiếng Greenland và viết hồi ký để chữa bệnh. Chồng bà còn dạy cho bà câu cá, săn bắn và tất cả những điều bà chưa bao giờ làm khi còn nhỏ. Đó là những yếu tố chính của văn hóa Greenland. Những điều đó không xóa sạch được những thiệt hại do thử nghiệm xã hội tạo ra, nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó đã giúp bà hàn gắn lại nỗi đau bắt đầu trên con tàu MS Disko vào năm 1951 ấy.

Khía cạnh quan trọng nhất đối với Chính phủ Đan Mạch là lời xin lỗi chính thức tới những nạn nhân. Đây là một bước quan trọng để khắc phục sự thất bại của họ. Chính phủ và bản thân tôi tin rằng, việc nhận ra những sai lầm trong quá khứ là điều cốt yếu và chúng ta phải học hỏi từ những điều này để lịch sử không bao giờ được phép lặp lại.

Ông Astrid Krag - Bộ trưởng Bộ Xã hội và người cao tuổi Đan Mạch