Cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu giai đoạn nước rút

ANTĐ - Nhiều quốc gia trên thế giới đang háo hức dõi theo bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012, không chỉ bởi Mỹ là một cường quốc mà còn bởi những cuộc tranh cử kiểu này thường có diễn biến kịch tính như phim truyền hình dài tập. 

Tổng chi phí cho cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 tới (gồm bầu cử Tổng thống, Hạ viện và Thượng viện) sẽ vào khoảng 5,8 tỷ USD - theo ước tính của Center for Responsive Politics (Trung tâm Phản hồi chính trị) - một tổ chức nghiên cứu độc lập chuyên theo dõi dòng tiền trong nền chính trị Mỹ - cao hơn GDP hàng năm của đảo quốc Malawi và nhiều hơn 7% so với mùa bầu cử năm 2008. 

Dân Mỹ bắt đầu đi bầu cử sớm

Tuần qua, với việc hai đảng độc chiếm nền chính trị nước Mỹ đã kết thúc đại hội và đề cử các cặp liên danh, cuộc bầu cử ở Mỹ bắt đầu bước vào gia đoạn đỉnh cao, tại đó việc công kích hạ uy tín, thậm chí dùng mọi thủ đoạn để bôi nhọ lẫn nhau, sẽ là nét đặc trưng. Tổng thống Mỹ Barack Obama đại diện của Đảng Dân chủ và ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Mitt Romney đã chỉ trích lẫn nhau trong các cuộc vận động tranh cử tại những bang quan trọng liên tục có những hành động nhằm hạ bệ uy tín của nhau.

Và nét đặc biệt nữa trong bầu cử Tổng thống ở Mỹ là dù giai đoạn vận động tranh cử còn sẽ rất quyết liệt thì các cử tri ở 32 bang và Thủ đô Washington của Mỹ đã có thể đi bỏ phiếu sớm từ ngày 6-9 (giờ địa phương) để tránh việc người dân phải xếp hàng dài trong ngày bầu cử chính thức vào ngày 6-11 tới. Giống như các kỳ bầu cử trước, năm nay cũng có gần hai phần ba trong tổng số 50 bang của nước Mỹ cho phép cử tri đi bầu sớm trước ngày bầu cử chính thức. Trong số này có cả những bang “quyết định” như Florida, Colorado và Iowa. 

Tờ Thời báo Kinh doanh Quốc tế (Mỹ) ngày 6-9 cho biết với tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, Tổng thống Obama đang dẫn trước cựu Thống đốc bang Massachusets, ông Romney ở một số chỉ số phụ khi có tới 48% số người được hỏi cho rằng ông Obama là nhân vật mà họ ưa thích hơn so với tỷ lệ 32% dành cho ứng cử viên Romney. Trong khi đó, đối với các cử tri độc lập, ông Romney lại đang chiếm ưu thế với 33% tỷ lệ ủng hộ trong khi ông Obama chỉ được 28%.

Ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng ?

Theo giới phân tích, đương kim Tổng thống Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức hơn so với thời điểm tranh cử năm 2008 bởi tình hình kinh tế khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp cao 8,3%. Nợ quốc gia trong gần 4 năm ông Obama cầm quyền đã tăng gấp hơn 4 lần so với các Tổng thống tiền nhiệm đã và đang trở thành những vật cản lớn. Ngày 4-9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nợ công của nước này đã vượt con số 16.000 tỷ USD, tương đương 104% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ và đã gần chạm mức trần nợ công 16.390 tỷ USD. Nợ công tăng đã dán lên lưng mỗi người dân Mỹ một hóa đơn thanh toán khoảng hơn 50.000 USD. Trong số tất cả các cam kết của Tổng thống Obama, có lẽ đây là một trong những vấn đề tồi tệ nhất, bởi vì khoản nợ này đang đe dọa công ăn việc làm, sự thịnh vượng  và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai nước Mỹ. Bức tranh kinh tế ảm đạm đã đẩy uy tín của Obama chỉ còn ở mức 47% trong khi mức ủng hộ dưới 50% là một mối lo đối với mọi Tổng thống muốn tranh cử nhiệm kỳ hai. 

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của Đảng Cộng hòa là ưu ái giảm thuế có lợi cho nhà giàu, tăng mạnh chi tiêu quân sự, những chính sách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng lớp trung lưu Mỹ - như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton phân tích - thì Đảng Dân chủ tập trung vào cải thiện tình hình kinh tế cho tầng lớp trung lưu bên cạnh những vấn đề xã hội như ủng hộ hôn nhân đồng giới, quyền nạo phá thai, tạo thêm việc làm… Nói cách khác, mục đích chính của những người Dân chủ là phát đi thông điệp tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi kinh tế và xây dựng một nền kinh tế dựa trên lợi ích của giới trung lưu và người lao động. Đây là mảng đối lập dễ nhận ra giữa B.Obama và M.Romney - giữa một người theo đuổi tầm nhìn về một nền kinh tế công bằng cho tất cả mọi người với một người là đại diện cho lớp người giàu trong xã hội Mỹ đa tầng. 

Về phần mình, ông Romney đã phủ nhận bài phát biểu của ông Obama, cho rằng, đối thủ đến từ Đảng Dân chủ đang mở đường cho những chính sách cũ đã không phát huy hiệu quả suốt 4 năm qua. Ông Romney cáo buộc ông Obama đã khiến dân Mỹ có cuộc sống “khốn khổ hơn so với lúc ông ta nhậm chức”. Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa còn cảnh báo: “Cuộc sống của người Mỹ sẽ tồi tệ hơn khi chúng tôi bước vào Nhà Trắng. Nhưng không chỉ thế hệ này phải trả giá mà các thế hệ tiếp theo cũng phải gánh chịu khoản nợ khổng lồ do các chính sách của Tổng thống Obama gây nên". 

Tuy cáo buộc đối thủ không thực hiện cam kết tranh cử, đưa ra những mục tiêu mà đồng thời cũng là cam kết lớn lao nghe qua thì rất hay, rất đúng và rất cần cho nước Mỹ, nhưng  ông lại không chỉ rõ ra cho tất cả thấy làm thế nào để đạt được những mục tiêu ấy. Những cam kết như tạo 12 triệu công ăn việc làm trong nhiệm kỳ 4 năm, giảm thâm hụt ngân sách, giảm thuế đồng thời cải tổ hệ thống y tế và giáo dục cũng như duy trì ưu thế của Mỹ trên thế giới thực chất quá chung chung và đều khó khả thi, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau. 

Trong bối cảnh hiện tại, đương kim Tổng thống B.Obama vẫn có nhiều ưu thế hơn đối thủ M.Romney qua chính sách đối ngoại, cách ứng xử với tầng lớp trung lưu và giá tiêu dùng. Ai sẽ là người cán đích trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng và điều gì sẽ quyết định lá phiếu của cử tri? 

Khi khủng khoảng toàn cầu đang ngày càng nặng nề hơn thì  kinh tế Mỹ đang là nhân tố hàng đầu dẫn dắt sự lựa chọn vị chủ nhân mới của Nhà Trắng. Và để hoàn thành "giấc mơ Mỹ" về một nước Mỹ mới, thịnh vượng hơn, Tổng thống B.Obama  sẽ phải vạch ra được con đường chấn hưng nền kinh tế, đưa tầng lớp trung lưu trở lại mức sống khá giả như trước đây. Còn nếu không tự làm cho tỏa sáng hơn trong những ngày tới thì ông Romney cũng khó hạ bệ được ông Obama, cho dù cơ hội không phải không có.