Cuộc đình công hiếm hoi của giới ngoại giao Pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tuần qua, hàng trăm nhân viên Bộ Ngoại giao Pháp tham gia một cuộc đình công nhằm phản đối kế hoạch cải cách được cho là sẽ ảnh hưởng đến khoảng 800 nhà ngoại giao nước này.
Đây là cuộc đình công hiếm hoi của các nhà ngoại giao Pháp trong vòng 20 năm trở lại đây

Đây là cuộc đình công hiếm hoi của các nhà ngoại giao Pháp trong vòng 20 năm trở lại đây

Thành viên của các phái đoàn ngoại giao Pháp hôm 2-6 đã có cuộc đình công hiếm hoi nhằm bày tỏ sự tức giận trước một kế hoạch cải cách mà họ cho rằng sẽ làm tổn hại đến sự nghiệp của họ cũng như vị thế nước Pháp trên thế giới. Cuộc biểu tình diễn ra gần khu liên hợp Bộ ngoại giao được gọi là Quai d’Orsay trên sông Seine.

Đây là lần đầu tiên sau 20 năm các nhà ngoại giao Pháp mới tổ chức đình công. Họ muốn Tổng thống Emmanuel Macron hủy bỏ kế hoạch hợp nhất các nhà ngoại giao chuyên nghiệp với một bộ phận công chức, bắt đầu từ tháng 1-2023. Quyết định nói trên được ông Macron công bố trong một sắc lệnh hồi tháng 4-2022 sẽ ảnh hưởng đến khoảng 800 nhà ngoại giao. Những người phản đối cho rằng, điều đó mới chỉ là sự khởi đầu. “Nước Pháp có nguy cơ biến mất nền ngoại giao chuyên nghiệp. Các nhân viên ngoại giao tin chắc rằng, Bộ Ngoại giao đang bị đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của nó” - tổ chức tập hợp 500 nhà ngoại giao đã viết trong một bài bình luận đăng trên tờ Le Monde vào tuần trước.

Các đoàn ngoại giao của Pháp được thành lập vào thế kỷ 16. Kế hoạch cải cách của chính phủ là nhằm hiện đại hóa và đa dạng hóa các đoàn ngoại giao này, đồng thời phá bỏ bức tường ngăn dành riêng cho bộ phận công chức có phần được ưu ái đặc biệt này.

Theo đó, các nhà ngoại giao sẽ được sắp xếp chung vào một nhóm lớn gồm tất cả các ngành dịch vụ công, khuyến khích chuyển sang các Bộ khác và buộc nhân sự trong ngành phải cạnh tranh với những người bên ngoài để có được các chức vụ ngoại giao được đánh giá cao. Các nhà ngoại giao cho rằng, công việc của họ đòi hỏi sự chuyên môn hóa cùng kiến thức, kinh nghiệm có được qua nhiều năm trải nghiệm ở các vị trí trên khắp thế giới - nơi không có chỗ cho những người nghiệp dư. Trong khi đó, kế hoạch được vạch ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như cuộc xung đột ở Ukraine, các cuộc đàm phán phức tạp về chương trình hạt nhân của Iran… và Pháp đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu.

Tháng trước, ông Dominique de Villepin - cựu Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Pháp từng nổi tiếng với bài phát biểu hùng hồn năm 2003 tại Liên hợp quốc, trong đó tuyên bố Paris phản đối cuộc chiến ở Iraq do Mỹ phát động, đã gọi cuộc cải cách sắp tới là “một lỗi lịch sử”. Đối với Pháp, việc mất đi vị thế riêng biệt của các nhà ngoại giao có nghĩa là “tình trạng mất đi tính độc lập, mất năng lực, mất trí nhớ sẽ đè nặng lên những năm sắp tới” - ông Villepin viết trên Twitter.

Ngay cả trước khi có sắc lệnh của Tổng thống Macron, sự tức giận và thất vọng đã bùng lên trong giới ngoại giao nước này về việc cắt giảm tài trợ, nhân sự và thuê ngoài. Nhóm nhà ngoại giao bình luận trên tờ Le Monde cho biết, thời gian gần đây họ bị cắt giảm nhanh chóng về nhân sự, giảm 30% trong 10 năm và nguồn tài trợ chỉ rơi vào khoảng 0,7% ngân sách nhà nước. Trong các bài viết được gửi từ Tokyo đến Trung Đông và Washington, một số đại sứ và nhiều nhà ngoại giao cho biết, họ ủng hộ cuộc đình công hôm 2-6. “Tôi sẽ đình công để phản đối việc cải tổ ngoại giao đoàn và việc tiếp tục cắt giảm các phương tiện cho hoạt động ngoại giao của chúng tôi” - ông Claire Le Flecher, Đại sứ Pháp tại Kuwait đã viết trên tài khoản cá nhân của mình.

Ông Romain Rideau - cố vấn tại Đại sứ quán Pháp ở Tokyo đã viết trên Twitter rằng, ông ủng hộ đình công bởi vì “ngoại giao không phải một buổi dạ tiệc mà tất cả những gì bạn làm chỉ đơn giản là đặt chân dưới gầm bàn”.