Cực quyền lực ở Tây bán cầu

ANTĐ - Lãnh đạo 33 nước Mỹ Latinh và Caribe vừa chính thức ký thông qua quyết định thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) với vị thế là khối lãnh đạo mới trong khu vực.

Quang cảnh Hội nghị thành lập CELAC

CELAC gồm 7 cơ quan là Hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, Hội nghị Ngoại trưởng, Ban Chủ tịch lâm thời, Hội nghị Điều phối viên quốc gia, các hội nghị chuyên ngành và Troika. Ngôn ngữ chính thức của CELAC gồm Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Anh và Bồ Đào Nha. Các nhà lãnh đạo CELAC cũng bầu Tổng thống Chile S. Pinera làm Chủ tịch lâm thời của CELAC cho tới phiên họp thượng đỉnh tới của nhóm, dự kiến được tổ chức tại quốc gia Nam Mỹ này vào năm 2012.

Đây có thể được coi là sự kiện lịch sử trong quá trình phát triển của khu vực, như lời của Chủ tịch Cuba R. Castro “nếu hoạt động hiệu quả và đem lại thành công thì việc thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe sẽ trở thành sự kiện lớn nhất trong lịch sử 200 năm “bán độc lập” của châu Mỹ”. Với sự ra đời của CELAC, các nước Mỹ Latinh và Caribe tạo thành một khối thống nhất, đoàn kết và ý chí mới với mục tiêu hội nhập kinh tế, chính trị và xã hội dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Ngay từ năm 1948, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã ra đời với 30 quốc gia thành viên và bộ máy tổ chức gồm đủ các cơ quan giúp việc. Sau này xuất hiện thêm Liên minh Bolivia dành cho châu Mỹ (ALBA) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR). Cho dù đưa ra không ít các khẩu hiệu hấp dẫn nhưng chưa tổ chức nào hoạt động hiệu quả. OAS với trụ sở đặt tại Washington (Mỹ) luôn bị coi là công cụ để Mỹ thao túng các nước trong khu vực, mà bằng chứng là việc Cuba bị khai trừ khỏi OAS vì đi theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Với sự ra đời của CELAC, lần đầu tiên trong lịch sử, các nước Mỹ Latinh và Caribe có một tổ chức cho riêng mình, tách khỏi sự chi phối của Mỹ. Để thể hiện tính độc lập của mình, ngay trong phiên họp toàn thể đầu tiên của khối, CELAC đã thiết lập các công cụ nhằm nâng cao khả năng thương mại nội khối để ngăn chặn khủng hoảng cũng như các rủi ro tài chính trong khu vực; thông qua “Kế hoạch hành động Caracas 2012” với các chủ đề về bảo vệ xã hội, môi trường, văn hóa và công nghệ, trong đó có bảo vệ dân nhập cư, đối thoại hội nhập khu vực và tiểu khu vực, phát triển xã hội và xóa đói giảm nghèo…

CELAC cũng thể hiện sự đoàn kết khu vực với việc thông qua một văn bản ủng hộ Argentina trong tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Malvinas hiện đang bị Anh chiếm (Anh gọi là Falkland). Theo đó, CELAC yêu cầu Chủ tịch lâm thời của khối trình đề nghị trên lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhằm tác động việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Argentina và Anh để tìm ra giải pháp hòa bình, chấm dứt tranh chấp về chủ quyền quần đảo này.

CELAC mới đi những bước đi đầu tiên nhưng như lời khẳng định của Tổng thống Venezuela H. Chavez, CELAC sẽ trở thành một tổ chức với những lý tưởng vươn xa hơn tất cả những lợi ích cá nhân, không phụ thuộc vào chủ nghĩa xã hội ở Cuba hay Venezuela và là một liên minh địa chính trị được xây dựng để trở thành một “cực quyền lực lớn” ở Tây bán cầu.