“Cửa tử” Aleppo

ANTĐ - Sinh mạng chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như triển vọng tình hình Syria giờ đây phụ thuộc vào cuộc huyết chiến giữa quân chính phủ và lực lượng chống đối ở Aleppo, thành phố chiến lược lớn thứ hai nước này. 

Quang cảnh đổ nát ở thành phố Aleppo

Có thể khẳng định như vậy bởi sau khi bị đẩy khỏi Thủ đô Damascus, gần như toàn bộ lực lượng của phe đối lập đều dồn về Aleppo - thành phố được coi là trung tâm thương mại lớn nhất Syria đang được phe đối lập cố gắng biến thành thành trì, nơi đặt bộ chỉ huy cũng như đầu mối để mở quan hệ với bên ngoài. Giành được Aleppo, phe đối lập sẽ có bàn đạp để mở rộng dần tầm kiểm soát, tiến tới lật đổ chính quyền của ông Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, những diễn biến trên chiến trường cho thấy lực lượng của phe đối lập đang rơi vào thế yếu. Với ưu thế tuyệt đối về vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo binh, quân chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát quận trung tâm Salaheddin, cắt đôi tuyến phòng ngự của lực lượng đối lập. Theo các nguồn tin tại chỗ, số lượng vũ khí của lực lượng đối lập cạn đi nhanh chóng và có thể sẽ không còn đủ để cầm cự dài ngày. Hiện tại, các thành viên của lực lượng này đang tìm cách cố thủ tại các hào chắn dựng lên trên các tuyến phố, trong các tòa nhà lớn và những căn nhà bị bỏ trống do người dân đi lánh nạn.

Thời cơ hiếm có để Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành lại ưu thế tuyệt đối, không để phe đối lập có thể đảo ngược tình thế đang đến gần. Có điều, chạm tay vào cái đích đó không hề dễ dàng. Dù gây thiệt hại nặng cho phe đối lập nhưng hiện quân chính phủ vẫn chưa đủ lực để kiểm soát hoàn toàn Aleppo. Cuộc chiến kéo dài đã một tuần và chưa biết khi nào sẽ kết thúc mặc dù phe đối lập đang thiếu hụt nguồn tiếp tế. Đó là bằng chứng cho thấy tiềm lực của chính phủ Syria cũng đang cạn dần.

Trong khi đó, sức ép từ bên ngoài đang ngày càng đè nặng lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Mỹ tuyên bố không từ bỏ bất cứ biện pháp nào để loại bỏ chính quyền Syria hiện nay. Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) lại đang xem xét việc đình chỉ tư cách thành viên của Syria để phản ứng về tình trạng bạo lực kéo dài 17 tháng qua tại nước này. Đề nghị đó đã được Ngoại trưởng các nước thành viên OIC thông qua trong cuộc họp diễn ra ngày 13-8 tại Arập Xêút. Một số nước thành viên OIC như Arập Xêút và Qatar còn bí mật cung cấp vũ khí và tài trợ cho lực lượng chống đối ở Syria.

Và điều đáng lo ngại nhất với ông Bashar  al-Assad là khả năng Mỹ và phương Tây sẽ áp đặt vùng cấm bay trên không phận của Syria. Nhóm đối lập Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đã nhiều lần kêu gọi quốc tế áp đặt vùng cấm bay tại Syria, một ở miền Bắc gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, và một ở miền Nam gần biên giới với Jordan. Nếu điều đó xảy ra, kịch bản Libya có thể lặp lại ở Syria. Dưới những vùng cấm bay đương nhiên sẽ hình thành các vùng “đất thánh” cho lực lượng đối lập đồn trú an toàn để từng bước củng cố lực lượng và phản công.

Ông Bashar al-Assad sẽ phải chạy đua với thời gian trước khi những yếu tố tác động nguy hiểm từ bên ngoài trở thành hiện thực. Vây ép lực lượng đối lập ở Aleppo và nhanh chóng vô hiệu hóa mối nguy hiểm này là ưu tiên số một hiện nay với chính quyền Syria. Chỉ có vượt qua “cửa tử” Aleppo, tương lai của ông Bashar al-Assad mới có thể sáng sủa trở lại.

“Chính quyền Tổng thống al-Assad chỉ kiểm soát 30% Syria”

Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sắp sụp đổ và hiện chỉ kiểm soát 30% lãnh thổ nước này, cựu Thủ tướng Syria, người đã đào tẩu sang Jordan hồi tuần trước ngày 14-8 cho biết. Trước đó 1 ngày, phe nổi dậy tuyên bố bắn hạ một máy bay chiến đấu của lực lượng quân đội Syria, bắt sống phi công trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt tại thành phố Aleppo. 
Do đối mặt với sức ép ngoại giao ngày càng tăng, trợ lý cấp cao của Tổng thống Syria, Bouthaina Shaaban ngày 14-8 đã lên đường tới Trung Quốc, dự kiến có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trước đó, Trung Quốc đã kêu gọi các bên ở Syria ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán chính trị để ngăn chặn tình trạng đổ máu.