Cuộc chiến chống AIDS:
“Cửa sổ vàng” đang khép lại
(ANTĐ) - Trong khuôn viên bệnh viện AIDS lớn nhất Uganda, Dinavance Kamukama, 28 tuổi, ngồi dưới một tán cây và khóc. Thận của cô đang kém đi, sức khỏe yếu chỉ có thể đi bộ.
Các bệnh nhân nhiễm AIDS đang chờ được phát thuốc điều trị |
Thiếu thuốc điều trị
Để con gái ở nhà, cô bắt xe buýt 4 tiếng đồng hồ tới bệnh viện để lấy thuốc giúp kéo dài sự sống. Nhưng không có thuốc cho Kamukama. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại các bệnh viện khác ở Thủ đô Kampala, tất cả bệnh nhân mới đều nằm trong danh sách chờ đợi. Uganda là minh chứng đầu tiên và rõ ràng nhất về cuộc chiến chống AIDS toàn cầu đang đi xuống.
Thập kỷ qua được một số bác sĩ gọi là “cửa sổ vàng” cho điều trị. Chi phí vào thuốc từng tiêu tốn 12.000USD một năm đã giảm xuống chưa đầy 100USD. Tại Uganda, cách đây 1 thập kỷ, gần 10.000 người mắc AIDS thì nay đã lên đến gần 200.000 người phải dùng thuốc. Nhưng “cửa sổ vàng” đang khép lại. Uganda là nước đầu tiên nhưng không phải là nước cuối cùng các bệnh viện lớn không tiếp nhận bệnh nhân. Một chương trình của Mỹ ở Mozambique được yêu cầu ngừng mở bệnh viện. Theo tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới, tình trạng thiếu thuốc cũng xảy ra ở Nigeria, Swaziland, Tanzania và Botswana.
Tương lai ảm đạm
Tình trạng này là do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu đối với các nhà tài trợ. Trong khi số lượng người nhiễm AIDS tăng 1 triệu người một năm, số tiền tài trợ cho việc điều trị lại không tăng. Theo Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), cứ 100 người được đưa vào khám thì có 250 người mắc mới. Điều này khiến triển vọng tương lai khá ảm đạm. Trên toàn thế giới, mặc dù 2 triệu người mắc bệnh AIDS chết mỗi năm, số người nhiễm vẫn tiếp tục tăng vì gần 3 triệu người lớn và trẻ em bị nhiễm mới. Như trường hợp của Uganda, ngoài 200.000 người đang điều trị, mỗi năm có thêm 110.000 người bị nhiễm.
Cũng phải nói rằng, cuộc chiến chống AIDS tại một số quốc gia đã đạt được thành công. Những quốc gia có thu nhập trung bình như Ấn Độ, Brazil và Nga có thể hoàn toàn điều trị cho tất cả bệnh nhân trong nước mà không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Trung Quốc và Nam Phi cũng vậy.
Nhưng đối với phần lớn các nước châu Phi và những nước nghèo khác như Haiti, Guyana và Campuchia, sự lặp lại tình cảnh của thập niên 90 là điều dường như không thể tránh khỏi: những bộ xương di động tại các làng quê, thi thể chất đống tại các nhà xác… “Điều tôi nhìn thấy khiến tôi sợ. Toàn bộ hy vọng trong 10 năm qua sẽ biến mất” – ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành UNAIDS thừa nhận.
Theo Ủy ban Phòng chống AIDS Uganda, chi phí cho việc điều trị một bệnh nhân AIDS, trong đó có thuốc, xét nghiệm và trả lương cho nhân viên y tế, là 11.500USD. Các nhà hảo tâm tài trợ khoảng 10 tỷ USD mỗi năm trong khi để kiểm soát dịch bệnh này cần số tiền 27 tỷ USD mỗi năm. Các nhà tài trợ cho rằng số tiền đó là quá lớn trong khi có thể cứu được nhiều người hơn bằng việc tập trung vào những bệnh gây ra cái chết của trẻ em như viêm phổi, tiêu chảy, sốt rét, sởi và uốn ván.
Chi phí để điều trị những bệnh này như thuốc kháng sinh, màn, bình lọc nước… chỉ tốn 1-10USD. Cùng với đó, theo Sáng kiến sức khỏe toàn cầu mới của Mỹ, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã công bố kế hoạch chuyển ưu tiên cho sức khỏe bà mẹ trẻ em. Ngân sách phòng chống AIDS chỉ tăng 2%. Chính quyền Anh và Quỹ Bill and Melinda Gates cũng cho biết sẽ tập trung trợ giúp sức khỏe bà mẹ trẻ em.
Nguyễn Tuyên
(Theo Nytimes)