Cú bắt tay nghìn tỷ USD

ANTĐ - Không phải là cái bắt tay thường thấy về an ninh và quân sự giữa các đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương mà là sự hợp tác để tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có trao đổi thương mại tới hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Cú bắt tay giữa Mỹ và EU mang lại lợi ích hàng trăm tỷ USD cho mỗi bên hằng năm

Từ ngày 19-5, EU và Mỹ bắt đầu tiến hành vòng đàm phán mới lần thứ năm về Hiệp định thương mại tự do EU - Mỹ (FTA), hay còn gọi là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Việc đàm phán Hiệp định Tự do hóa thương mại giữa EU và Mỹ được khởi động từ tháng 7-2013.

Trong vòng đàm phán dự kiến diễn ra trong vòng 5 ngày tại Thủ đô Washington (Mỹ), hai bên sẽ tập trung vào những nội dung còn bất đồng. Theo Ủy ban châu Âu (EC), đó là các nội dung tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ; hồ sơ về các lĩnh vực như hàng hóa mỹ phẩm, vải sợi hoặc tân dược…

TTIP được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso tuyên bố khởi động ngày 17-6-2013 nhằm mục đích xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong giao thương giữa Mỹ và EU. Dù đã trải qua 4 vòng đàm phán, song hiện khoảng cách giữa Mỹ và EU về các vấn đề then chốt còn khá lớn.

Kết thúc vòng đàm phán thứ tư vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Trưởng đoàn đàm phán EU Ignacio Garcia Bercero cho biết, giữa EU và Mỹ vẫn còn nhiều khác biệt trong một loạt vấn đề nhạy cảm như tiêu chuẩn về thực phẩm hay các biện pháp bảo hộ đầu tư. Theo ông Bercero, EU muốn Mỹ thừa nhận những sản phẩm chất lượng của liên minh này như rượu vang, fromage, jambon nhưng không cho phép nhập khẩu vào EU thịt bò Mỹ có chứa hormone tăng trưởng hoặc thịt gà chứa clo…

Trong các phiên đàm phán gần đây, EU đã bị “bất ngờ bởi bản chào từ phía Mỹ” khi nhận thấy có khoảng cách lớn với phần chuẩn bị của phía EU. Mỹ chủ trương đàm phán theo “nguyên tắc chung” trong khi phía EU (trong đó có Pháp) muốn đàm phán theo ngành, ngoài ra Mỹ cũng không đoái hoài gì đến vấn đề mua sắm chính phủ trong khi đây là lĩnh vực mà phía EU rất quan tâm.

Còn những dị biệt và khoảng cách lớn giữa hai bên, song Mỹ và EU vẫn muốn hoàn tất đàm phán TTIP trước cuối năm 2014 này. Bởi trong bối cảnh hai bên cùng gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế hiện nay, EU và Mỹ trông đợi việc hình thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới xuyên Đại Tây Dương sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên.

Nếu hình thành, khu vực mậu dịch tự do Mỹ-EU sẽ có 820 triệu người tiêu dùng, có tổng thu nhập chiếm tới 50% GDP toàn cầu với trao đổi thương mại hai chiều hơn 1 nghìn tỷ USD/năm. TTIP có thể mang lại 119 tỷ Euro cho châu Âu, 95 tỷ USD cho Mỹ và giúp tăng GDP toàn cầu thêm 100 tỷ Euro mỗi năm. Theo tính toán, hiệp định trên cũng giúp GDP Mỹ và EU tăng trưởng thêm khoảng 0,5% - 1% GDP hằng năm cho nền kinh tế mỗi bên và tạo thêm hàng triệu việc làm mới, trước mắt là khoảng 500 nghìn việc làm ở châu Âu. 

Lợi ích của TTIP đã rõ nhưng vấn đề hiện nay là cả Mỹ và EU cùng muốn “cò kè” với toan tính được lợi nhiều nhất và chịu thiệt ít nhất cho mình.