COP27 - Cơ hội biến cam kết thành hành động chống biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) là cơ hội để thế giới biến cam kết thành hành động cụ thể nhằm thực hiện các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường sống trên Trái đất cho tương lai, trong đó có thông qua việc hiện thực hóa các mục tiêu tài chính chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP27 tại Sharm El-Sheikhla cơ hội để thế giới thực hiện cam kết đưa ra tại COP26 cách đây tròn một năm

Hội nghị COP27 tại Sharm El-Sheikhla cơ hội để thế giới thực hiện cam kết đưa ra tại COP26 cách đây tròn một năm

Cùng nhau thực thi các cam kết của COP26

Hơn 35.000 đại biểu quốc tế, trong đó có hơn 100 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra từ ngày 6 đến 18-11-2022 tại thành phố du lịch nổi tiếng Sharm El-Sheikh của Ai Cập. Đây cũng là hội nghị cấp cao về chống biến đổi khí hậu quốc tế có số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế vào thành công của COP27 nhằm thực hiện mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất vào năm 2050 không tăng hơn 1,5 độ C so với trước thời kỳ tiền công nghiệp.

Với chủ đề bao trùm “Cùng nhau thực thi các cam kết” (Together For Implementation), trong 2 tuần, các đại biểu tham dự CPO27 cùng trao đổi, thảo luận về 10 chủ đề gồm: Ngày về tài chính, Ngày về thích ứng và nông nghiệp, Ngày về nước, Ngày về khử carbon, Ngày về khoa học, Ngày về giải pháp, Ngày về giới, Ngày về năng lượng, Ngày về đa dạng sinh học và Ngày về thanh niên và các tổ chức xã hội khác. Diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và lạm phát toàn cầu, Hội nghị được trông đợi là cơ hội để thế giới biến cam kết thành hành động cụ thể thông qua việc hiện thực hóa các mục tiêu tài chính chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức lớn. Ngoài hệ luy kéo dài do đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thế giới hiện phải đối mặt với giá năng lượng và lương thực cao kỷ lục ở nhiều khu vực do xung đột quân sự ở Ukraine. Những thách thức nghiêm trọng này đã dẫn tới những tác động hết sức tiêu cực như lạm phát cao, tăng trưởng thấp hơn và suy thoái cũng như nguy cơ suy thoái ở nhiều quốc gia.

Trong khi đó, theo giới chuyên môn, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn đang trên đà tăng 10%, khiến nhiệt độ Trái đất có xu hướng tăng tới 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này nếu không có biện pháp mạnh mẽ. Các nhà phân tích cho rằng, bất chấp những cam kết tích cực tại COP26 diễn ra ở thành phố Glasgow, (Scotland, Vương quốc Anh) vào cuối năm 2021, các cam kết của các quốc gia ngay cả khi được thực hiện nghiêm túc, vẫn có thể giúp nhiệt độ bề mặt Trái đất không cao hơn 1,5 độc C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào giữa thế kỷ 21 này.

Một trong những cam kết quan trọng nhất đạt được tại COP26 là các quốc gia công nghiệp phát triển - cũng là những quốc gia đã trải qua quá trình công nghiệp hóa hàng trăm năm và thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cam kết đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia đang phát triển - những quốc gia đang có nhu cầu công nghiệp hóa nhanh, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong phát biểu trước thềm Hội nghị COP27 đã đề nghị các nước phát triển cam kết ở mức cao nhất, cần xây dựng các liên minh về tài chính và công nghệ để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng xanh bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, COP27 cần ưu tiên các vấn đề về thích ứng, khắc phục tổn thất, giáo dục, nâng cao tham vọng khí hậu của các bên. Đồng thời, đặc biệt chú trọng những vấn đề khó khăn mà các quốc gia đang phát triển đang gặp phải như: an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, giải pháp thích ứng bền vững trong quá trình đô thị hóa, giảm tổn thất và lãng phí nguồn nước...

Cần hỗ trợ mạnh mẽ về chuyển giao công nghệ, ưu đãi tài chính

Là một nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi, đi lên từ chiến tranh nên đi sau nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm trong ngôi nhà chung của Liên hợp quốc và luôn quyết tâm, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế của mình với trách nhiệm cao nhất. Trong đó có cam kết chống biến đổi khí hậu, một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại hiện nay.

Lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của Việt Nam vào năm 2014, thời điểm nước ta chưa tham gia thỏa thuận Paris, so với năm 2010 đã giảm khoảng 1,46 triệu tấn CO2tđ. Trong giai đoạn 2015-2019, Việt Nam đã nỗ lực giảm phát thải khoảng 17 lần. Nước ta đang hướng tới mục tiêu vào năm 2030, bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm thêm 40 lần nữa, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ. Nếu có sự hỗ trợ của nước ngoài, con số giảm phát thải của Việt Nam có thể là 250,8 triệu tấn CO2tđ.

Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã chứng tỏ sự đồng hành mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi cùng cùng 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động 2 thích ứng an toàn.

Ngay sau COP26, Việt Nam đã nhanh chóng và tích cực thúc đẩy thực thi cam kết tại hội nghị bằng việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các cam kết của Việt Nam và nhiều kế hoạch chiến lược quốc gia quan trọng khác để thực hiện các cam kết của mình.

Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế. Vì vậy, Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực, ưu tiên thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế carbon thấp.

Bên cạnh đó, là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Là quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam coi thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân để tồn tại, phát triển, từ đó có thể có đóng góp nhiều hơn cho nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đề nghị các đối tác phát triển hỗ trợ mạnh mẽ về chuyển giao công nghệ, ưu đãi tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế, công tác quản trị. Điều này sẽ giúp Việt Nam vừa đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, vừa bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội liên quan và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.