Cam kết mạnh mẽ, trách nhiệm của Việt Nam chống biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26, đồng thời đưa ra những cam kết ủng hộ các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đối khí hậu cho thấy những sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đối khi hậu, một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng nhất hiện nay với toàn thế giới.

Cơ may cuối cùng và tốt nhất chống biến đối khí hậu

Diễn ra từ 31-10 đến 12-11 tại thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được xem là cơ hội để đoàn kết thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết giới hạn sự nóng lên trên toàn cầu theo Hiệp định Paris, thậm chí là “cơ may cuối cùng và tốt nhất” để khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo như lời của ông Alok Sharma - Chủ tịch COP26. Hội nghị COP26 cũng là sự kiện khí hậu quan trọng nhất kể từ khi Hiệp định Paris được 195 nước ký kết tại Hội nghị COP21 ở thủ đô Paris của Pháp năm 2015.

Trước Hội nghị COP21 cách đây hơn 6 năm, thế giới đã phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của biến đối khí hậu mà nguyên nhân là do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Giới khoa học cho rằng, nếu không có biện pháp quyết liệt để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất tới năm 2050 có thể tăng khoảng 2 độ C so với nhiệt độ trung bình ghi nhận vào thời kỳ tiền công nghiệp thế kỷ 19.

Trong trường hợp nhiệt độ Trái đất tăng 2 độ C vào giữa thế kỷ này, môi trường và sự sống sẽ phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc. Chính vì vậy, các quốc gia đã ký kết, cam kết thực hiện Hiệp định Paris, theo đó cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để không chế nhiệt độ Trái đất vào năm 2020 không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cho dù chỉ là 0,5 độ C, song theo giới khoa học, mức độ cũng đủ để có thể gây ra những tác động rất khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp quốc, nếu nhiệt độ Trái đất tăng 2 độ C, số người phải đối mặt với các đợt nắng nóng khắc nghiệt sẽ tăng lên gấp đôi. Khoảng 250 triệu người nữa sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt. Hiện tượng Bắc Băng Dương không có băng sẽ xảy ra thường xuyên hơn, 10 năm một lần thay vì 100 năm một lần.

Mực nước biển cũng sẽ tăng lên 0,5m trong thế kỷ 21 nếu hành tinh này nóng lên 2 độ C, và có nguy cơ tăng lên gần 2m vào năm 2300, gấp đôi so với dự báo của IPCC đưa ra vào năm 2019. Nhưng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C sẽ giảm mực nước biển dâng khoảng 10cm. Tất cả những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu trên cũng đều ảnh hưởng đến sự tồn tại của thực vật và động vật trên hành tinh. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C sẽ tác động tiêu cực đến 7% hệ sinh thái, và nếu tăng 2 độ C, tỷ lệ này sẽ tăng gần gấp đôi.

Từ COP21 tới nay, thế giới cũng đã chứng kiến những trận lũ lụt, cháy rừng, hạn hán và nắng nóng chết người ngày càng nghiêm trọng hơn vì không thể làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu do hoạt động đốt dầu mỏ, than đá và khí đốt. COP26 còn diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu buộc Trung Quốc quay sang than đá để ngăn chặn tình trạng thiếu điện, đồng thời khiến châu Âu phải tìm kiếm thêm nguồn cung khí đốt.

COP26 là cơ hội để lãnh đạo Chính phủ, đại diện 195 quốc gia ký kết Hiệp định Paris cùng đại diện các tổ chức quốc tế cùng đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải họ từng đặt ra, đồng thời đề xuất mục tiêu mới… với 4 vấn đề chính được đặc biệt quan tâm gồm: Hỗ trợ tài chính khí hậu, thị trường mua bán phát thải carbon, than đá và khí methane. Trong đó, huy động 100 tỷ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển là một trong những vấn đề khó khăn nhất.

Đóng góp thiết thực, hiệu quả của Việt Nam

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đối khí hậu, thời gian qua, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng ở Việt Nam dày hơn so với trước. Ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn hán lại tiếp tục tái diễn trong năm 2019-2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán xâm ngập mặn năm 2016. Trong năm 2020, nguồn nước trên các sông, suối khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35- 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%. Bão lớn cấp 4 và 5 diễn ra thường xuyên hơn nhiều trong vòng 35 năm trở lại đây đã dịch chuyển dần xuống phía Nam trong vòng 5 thập kỷ qua.

Tác động do biến đổi khí hậu trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra những thách thức an ninh khí hậu, nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định và phát triển đất nước, tạo ra những làn sóng di cư. Thống kê gần đây cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, đã có 1,7 triệu người di cư ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long. Rõ ràng, biến đổi khí hậu đe doạ tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nếu chúng ta không có một kế hoạch tổng thể để thích ứng với biến đối khí hậu.

Những tổn thất và thiệt hại do biến đối khí hậu gây ra ở nước ta ngày càng nghiêm trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Theo tính toán, đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100cm, 6,3% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị ngập lụt, 4% hệ thống đường sắt, 9% hệ thống đường quốc lộ và 12% hệ thống đường tỉnh lộ sẽ bị ảnh hưởng; trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP.HCM; riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.

Chính vì thế, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các giải pháp kìm hãm tốc độ nóng lên của Trái đất. Trước khi tham dự COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 1-10 đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 20212030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Chiến lược sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát thải carbon thấp trong dài hạn, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế. Theo đó, đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014 và đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Đây là nền tảng cho tương lai đất nước hướng tới các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2015 và những năm tiếp theo, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trường xanh, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho mục tiêu chung của thế giới.

Có thể thấy, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 minh chứng cho quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm như chống biến đổi khí hậu; thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đó cũng là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với nỗ lực chung để giữ gìn, bảo vệ môi trường.