Công nghệ tàng hình plasma của tiêm kích FGFA bị "bóc mẽ" là không tồn tại

ANTD.VN - Tiêm kích tàng hình FGFA là một phiên bản sửa đổi từ chiếc Sukhoi Su-57 được Nga tiến hành theo yêu cầu của Ấn Độ.

Cùng với tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm BrahMos, chiến đấu cơ thế hệ 5 FGFA là chương trình hợp tác quốc phòng trọng điểm giữa Nga với Ấn Độ, trong đó phần lớn ngân sách nghiên cứu do Ấn Độ chi trả nhằm hy vọng có được một dòng tiêm kích tàng hình “nội địa” trong tương lai.

Mặc dù vậy tiến độ của dự án là rất chậm chạp, phía Ấn Độ từng nhiều lần phàn nàn rằng họ sắp hết kiên nhẫn với phía Nga vì nguyên mẫu Su-57 vẫn còn tồn tại quá nhiều lỗi, tất yếu dấn tới việc FGFA cũng gặp tình trạng tương tự.

Diễn biến gần đây nhất là New Delhi tuyên bố mức độ tàng hình của FGFA quá kém, thậm chí thua cả F-35 Lightning II vốn chỉ được xem là tiêm kích tàng hình hạng hai của Mỹ và đe dọa chấm dứt hợp tác.

Để tránh bị mất khách hàng tiềm năng, ngay sau đó hãng thông tấn TASS đã dẫn nguồn từ cơ quan báo chí thuộc Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport cho rằng đây không phải lỗi của họ.

Phía Nga viện dẫn rằng tiêm kích tàng hình FGFA có diện tích phản xạ radar (RCS) vượt quá mức cho phép là do họ phải đáp ứng yêu cầu không hợp lý từ Không quân Ấn Độ (IAF) khi nghiên cứu chế tạo phiên bản Su-57 có 2 chỗ ngồi.

Việc khoang điều khiển bị phình to tất yếu dẫn tới kích thước tổng thể của máy bay tăng thêm, từ đó khiến cho chỉ số RCS cũng bị đội lên tương ứng. Nga còn dẫn xuất rằng mọi chiến đấu cơ thuộc thế hệ 5 tính đến thời điểm này đều chỉ được điều khiển bởi duy nhất 1 phi công.

Tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi Su-57 - nguyên mẫu phát triển của FGFA

Tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi Su-57 - nguyên mẫu phát triển của FGFA

Lời phân trần của Nga mặc dù nghe qua có vẻ hợp lý, nhưng nếu bình tình nhìn kỹ lại thì sẽ thấy một vài điểm rất bất thường sau đây.

Thứ nhất, nếu mở rộng khoang lái để có chỗ ngồi cho phi công hoa tiêu thì kích thước của FGFA cũng chỉ bị kéo dài về phía trước một chút, trong khi chính diện phải là nơi mà RCS của máy bay nhỏ nhất. Hơn nữa tại sao đến bây giờ Nga mới đề cập tới khả năng trên mà không cho Ấn Độ biết yêu cầu của mình là bất hợp lý ngay từ khi mới ký hợp đồng?

Việc bố trí ghế của phi công theo kiểu trước - sau chắc chắn không thể so sánh với cách làm của Mỹ trên chiếc B-2 Spirit với 2 phi công ngồi cạnh nhau trong một khoang lái rất rộng, hơn nữa mọi thông số như chiều dài, rộng, cao, sải cánh, diện tích cánh của chiếc B-2 đều lớn hơn rất nhiều so với FGFA, nhưng RCS của máy bay ném bom Mỹ vẫn được tối ưu hóa rất tốt.

Nhược điểm trên theo nhận định là do phía Nga chưa có kinh nghiệm trong việc thiết kế máy bay tàng hình, ngoài ra tiềm lực kinh tế hiện tại của họ thua xa cả Mỹ lẫn Trung Quốc, cho nên mẫu thử nghiệm cần phải hoàn thiện nhiều là điều đương nhiên.

Tiếp theo, đến lúc này thì mọi sự chú ý lại đổ dồn vào một công nghệ "độc nhất vô nhị" của Nga, từng được quảng cáo rằng sẽ giúp cho mọi chiến đấu cơ thế hệ 5 đạt đến mức độ tàng hình tuyệt đối mà không phải quan tâm đến tham số RCS, đó chính là “tàng hình plasma”.

Tàng hình plasma theo lý thuyết sẽ giúp cho mọi chiến đấu cơ không phải phụ thuộc vào RCS

Tàng hình plasma theo lý thuyết sẽ giúp cho mọi chiến đấu cơ không phải phụ thuộc vào RCS

Về nguyên tắc, máy bay được trang bị công nghệ tàng hình plasma sẽ tạo ra một lớp đệm khí bị ion hóa bao phủ hoàn toàn xung quanh chiến đấu cơ. Khi máy bay di chuyển ở tốc độ càng cao thì lớp không khí ion hóa này càng dày, khiến cho dòng plasma thứ cấp càng lớn, dẫn tới khả năng tàng hình được tăng lên.

Khi đó tín hiệu điện từ phát ra từ các đài radar cũng như những phương tiện thông tin vô tuyến hầu như bị hấp thụ hoàn toàn, hệ thống cảnh giới - trinh sát của đối phương sẽ bị vô hiệu hóa 100%, kể cả radar làm việc trên băng sóng mét lẫn milimet.

Nếu thực sự Nga đã triển khai thành công công nghệ này cho tiêm kích thế hệ 5 như họ vẫn từng quảng cáo thì chắc hẳn Không quân Ấn Độ chẳng phải phàn nàn về việc RCS của FGFA cao quá mức cho phép, vì lúc này đây chỉ còn là tham số phụ, không mang nhiều ý nghĩa ý khi thực chiến.

Tuy nhiên phản ứng mạnh của Không quân Ấn Độ thời gian qua, nhất là khi so sánh FGFA với F-35 Lightning II của Mỹ cho thấy rằng tính năng thực tế của sản phẩm ra đời từ chương trình liên doanh này chẳng hề ưu việt như những gì Nga vẫn thường khẳng định, thậm chí còn phải dùng từ "bánh vẽ".

Diễn biến mới nhất được thông báo là Ấn Độ đã đồng ý gia hạn thêm cho chương trình FGFA vì không muốn mất trắng số tiền cực lớn đã bỏ ra, nhưng đây gần như đã là chiếc phao cứu sinh cuối cùng cho dự án liên doanh này, Nga sẽ chẳng còn nhiều cơ hội nếu không kịp nhanh tay nắm bắt.