Công nghệ AI - con dao hai lưỡi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dư luận Mỹ đang ngày càng quen thuộc với cụm từ “cuộc bầu cử AI đầu tiên của nước Mỹ”. Các công nghệ tiên tiến trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng ngày càng nhiều trong các chiến dịch tranh cử, nhưng nhiều chuyên gia công nghệ lo ngại đây là “con dao hai lưỡi”.
Cuộc bầu cử đầy kịch tính của Mỹ năm 2024 đang phải đối mặt với rủi ro do sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo

Cuộc bầu cử đầy kịch tính của Mỹ năm 2024 đang phải đối mặt với rủi ro do sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo

Yếu tố thay đổi cuộc chơi

Thị trưởng New York Eric Adams không nói được tiếng Tây Ban Nha, nhưng có vẻ như hiện giờ ông hoàn toàn có khả năng đó. Ông Eric Adams đang sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo để gửi các bản ghi âm về các sự kiện của thành phố tới người dân bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc, tiếng Urdu và tiếng Yiddish. Giọng nói trong đó bắt chước Thị trưởng nhưng được tạo ra bằng phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của một công ty có tên ElevenLabs. Trong cuộc họp báo vào tháng 10-2023, ông Adams cho biết: “Mọi người liên tục chặn tôi lại trên đường và nói: Không ngờ, ông lại nói được tiếng Hoa”.

Các chương trình AI có thể ngay lập tức bắt chước giọng một chính khách, tạo ra những video và văn bản chân thực tới nỗi các cử tri khó có thể nhận ra đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm của máy tính. Trước đây, các thành viên của những chiến dịch vận động thường phải nhờ đến các dịch vụ tư vấn đắt đỏ để lên kế hoạch cho chiến dịch, dành hàng giờ để soạn các bài phát biểu, các luận điểm và các bài đăng trên mạng xã hội nhưng hiện nay AI có thể đảm nhận những công việc này chỉ trong thời gian ngắn. Các chiến dịch vận động đều đang vận dụng công nghệ này để tăng hiệu quả hoạt động, từ phân tích dữ liệu cử tri tới soạn thư điện tử kêu gọi gây quỹ. Vì thế, những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực AI có thể đóng vai trò là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc bầu cử ở Mỹ vào năm tới.

Hạ nghị sĩ Yvette D. Clarke, người đã làm việc nhiều năm trong việc phát triển các biện pháp bảo vệ cho AI, cho biết: “Không có gì sai khi sử dụng AI trong nền dân chủ của chúng ta, miễn là nó không được vũ khí hóa để lừa dối, thông tin sai lệch hoặc làm hại bất kỳ ai. Nhưng một khi nó được vũ khí hóa, chúng ta sẽ gặp rắc rối”.

Ngăn ngừa khả năng thao túng, lạm dụng AI

Các chuyên gia đã cảnh báo trong nhiều năm rằng, AI sẽ thay đổi nền dân chủ Mỹ bằng cách bóp méo thực tế. Tương lai đó đã xuất hiện. AI có thể bị lạm dụng cho các chiến dịch đưa tin sai lệch, được sử dụng để dàn dựng các nội dung bôi xấu đối thủ trong chiến dịch bầu cử. AI cũng có thể tạo ra sản phẩm “siêu giả” về các sự kiện chưa từng xảy ra.

Ví dụ, chiến dịch tranh cử Tổng thống của Thống đốc Florida Ron DeSantis đã chia sẻ một hình ảnh do AI tạo ra về cựu Tổng thống Donald Trump đang ôm Tiến sĩ Anthony S. Fauci, người có công đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 ở nước Mỹ, nhưng cái ôm đó không có trong thực tế. Hay trong cuộc bầu cử sơ bộ Thị trưởng Chicago, ai đó đã sử dụng AI để sao chép giọng nói của ứng cử viên Paul Vallas trong một bản tin giả, khiến có vẻ như ông tán thành các hành vi bạo lực của cảnh sát. Cả hai trường hợp này đều có thể bị vạch trần, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một hình ảnh hoặc đoạn âm thanh gây sốc được lan truyền rộng rãi ở một bang chiến trường ngay trước cuộc bầu cử ở Mỹ vào năm tới?

Theo kết quả thăm dò do Tập đoàn truyền thông Axios và hãng tư vấn Morning Consult công bố hồi tháng 9-2023, hơn 50% người Mỹ được hỏi tin rằng những thông tin sai lệch do AI tạo ra sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử năm 2024. Hơn 30% cho biết vì những tác động của AI nên họ nghi ngờ các kết quả bầu cử hơn. Nếu không vạch ra một số ranh giới, hàng loạt công dân có thể bị thao túng, tước quyền công dân hoặc mất niềm tin vào toàn bộ hệ thống - tạo kẽ hở để những kẻ xấu có thể lợi dụng. Vì vậy, nếu hiểu rõ về rủi ro của AI, thì giải pháp là gì?

Nhà chức trách Mỹ đang nỗ lực thiết lập các quy định giám sát sử dụng AI, một số bang như Minnesota đã thông qua quy định hình sự hóa việc sử dụng công nghệ deepfake (tạo ra các hình ảnh, video giả mạo dựa trên khuôn mẫu có thật) nhằm gây tổn hại cho các ứng cử viên hay tác động tới các cuộc bầu cử. Đầu tuần này, Tổng thống Joe Biden cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp thúc đẩy sử dụng AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.