Công cụ điều tiết lợi ích

ANTĐ - Ngoại giao phòng ngừa tiếp tục là nhân tố then chốt đảm bảo hòa bình tại Trung Á, khu vực nhiều tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.

Những đập thủy điện trên sông Vakhsh có thể dẫn tới khủng hoảng ở Trung Á

Nhân sự kiện Trung tâm khu vực Trung Á về ngoại giao phòng ngừa (UNRCCA) công bố báo cáo tổng kết hoạt động của tổ chức, Hội đồng bảo an LHQ ra tuyên bố tái khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng chính sách ngoại giao phòng ngừa và những cơ chế cảnh báo sớm của LHQ trong việc hỗ trợ giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp đồng thời ứng phó kịp thời với các nguy cơ đe dọa hòa bình có nguồn gốc trong nước và từ bên ngoài, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững khu vực Trung Á.

Ra đời năm 2007 theo sáng kiến của 5 nước Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, UNCCA có sứ mệnh chính trị đặc biệt trong việc hỗ trợ các nước giải quyết các mối đe dọa khủng bố, đấu tranh chống buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức và biến đổi khí hậu. Trước UNCCA, Trung Á đã có Tổ chức hợp tác Thượng Hải gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan cũng với vai trò ngăn chặn khủng bố, chống buôn lậu ma túy, chủ nghĩa li khai trong khu vực. 

Là khu vực rộng lớn với nhiều tiềm năng về dầu lửa và khoáng sản, Trung Á là nơi mà các cường quốc như Nga, Nhật, Mỹ và Trung Quốc đều muốn tăng cường quan hệ. Trong khi Nga và Mỹ đẩy mạnh hợp tác về quân sự, thì Trung Quốc, Nhật Bản rồi Ấn Độ tìm ảnh hưởng ở Trung Á thông qua các khoản viện trợ và đầu tư lớn.

Thế nhưng, Trung Á cũng chính là địa bàn trung chuyển ma túy lớn trên thế giới. Cơ quan chống ma túy và tội phạm LHQ (UNODC) ước tính hàng năm có tới 90 tấn heroine được vận chuyển từ Afghanistan, nơi sản xuất 90% lượng ma túy của thế giới, tới Nga đi qua khu vực Trung Á nhưng chỉ khoảng 5% số ma túy này bị thu giữ. Trung Á cũng là địa bàn mà các phần tử khủng bố, Hồi giáo cực đoan, các tổ chức tội phạm quá cảnh trước khi đến Nga và châu Âu.

Bên trong Trung Á cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, trước hết là việc sử dụng các nguồn tài nguyên. Chẳng hạn, kế hoạch của Tajikistan xây dựng đập thủy điện Rogun trên sông Vakhsh đã làm cho các nước ở vùng hạ lưu lo ngại. Nước láng giềng Uzbekistan tuyên bố bất cứ lượng nước nào bị cắt giảm cũng ảnh hưởng đến kinh tế của họ, đặc biệt là ngành trồng bông. Những mỏ dầu vắt ngang biên giới các nước Trung Á cũng chứa trong mình mầm mống gây căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, Tổ chức UNCCA là kênh thuận lợi để các nước Trung Á phối hợp hành động trong các vấn đề an ninh. Các thông tin tình báo được chia sẻ giữa các nước Trung Á giúp chống lại hoạt động buôn bán ma túy từ Afghanistan, sự xâm nhập của các tổ chức tội phạm có tổ chức, của các phần tử khủng bố… Các chiến dịch quân sự quy mô nhỏ được tiến hành nhằm mục đích răn đe cũng như tập luyện khả năng phối hợp.

UNCCA cũng là công cụ hiệu quả nhằm ngăn ngừa những mâu thuẫn bùng nổ. Dựa trên chính sách ngoại giao phòng ngừa, UNCCA có thể giúp các nước Trung Á giải quyết tranh chấp một cách đồng bộ, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan.