Con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bị điều tra rửa tiền ở Italia

ANTD.VN - Đầu tháng 8-2016, một tòa án ở Bologna ra phán quyết tiếp tục điều tra cáo buộc con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rửa 1 tỷ euro trong thời gian sang Italia học tiến sỹ. Cuộc điều tra được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bilal Erdogan đang đối mặt với điều tra cáo buộc rửa 1 tỷ euro ở Italia

Khi đến rình rang, khi đi vội vã

Năm 2014, Bilal Erdogan, con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới thành phố Bologna của Italia với một đội vệ sỹ hộ tống. Con trai út của ông Erdogan, năm nay 35 tuổi, đến Italia để hoàn thành luận án tiến sỹ về quan hệ quốc tế. Bilal bắt đầu học tiến sỹ năm 2006 tại trường Nghiên cứu quốc tế nâng cao Johns Hopkins ở Washington, Hoa Kỳ sau đó chuyển sang một chi nhánh của trường tại Bologna. 

Cũng vào năm 2014, Bilal Erdogan được cấp giấy phép cư trú ở Italia trong 2 năm cho anh ta cùng vợ và hai con nhỏ. Gia đình này thuê một căn hộ sang trọng dưới chân tòa Tháp đôi (Two Towers), di tích lịch sử thời Trung cổ, biểu tượng của thành phố Bologna, cũng gần khuôn viên trường đại học. 

Ngay từ thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Italia đã để mắt tới Bilal khi theo sát anh ta cùng với những vệ sỹ có vũ trang của mình. Mặc dù vậy, chưa có tài liệu nào cho thấy cảnh sát Italia luôn theo sát Bilal là để phòng ngừa chuyện bắt cóc hoặc ám sát con trai, thành viên gia đình của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hay là vì họ muốn giám sát người này gặp gỡ, làm việc với những ai.

Nhưng vào tháng 2-2016, thành phần giám sát mục tiêu Bilal Edorgan có thêm cảnh sát tài chính của Italia. Theo một bản tóm tắt hồ sơ tòa án mà phóng viên The Daily Beast có được, lực lượng này đã báo với quý ông trẻ tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ rằng anh ta đang bị điều tra về cáo buộc rửa khoảng 1 tỷ euro (1,12 tỷ USD) tiền mặt.

Một tháng sau, Bilal Erdogan đã trở lại  Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do “quan ngại an ninh” cho gia đình mình. Giovanni Trombini, luật sư của Bilal tại Bologna cho biết, thân chủ của ông không bị cấm xuất cảnh vì chưa bị buộc tội chính thức. Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông địa phương, Erdogan rời đi rất nhanh, gửi tin nhắn đến phụ huynh của bạn con mình rằng: “Chúng tôi quay về Istanbul. Sự an toàn của chúng tôi bị đe dọa. Chúng tôi sẽ trở lại vào một ngày nào đó để nói lời tạm biệt bình tĩnh hơn”.

Nhưng khả năng đó hiện giờ khó có thể xảy ra. Đầu tháng 8-2016, một tòa án ở Bologna phán quyết rằng không dừng vụ điều tra, thay vào đó là gia hạn thêm 6 tháng. 

Có thể bị bắt nếu quay lại Italia

Các cáo buộc này bị đưa ra ánh sáng khi một doanh nhân và là đối thủ của Tổng thống Erdogan, ông Murat Hakan Uzan, tiết lộ với cảnh sát Italia rằng ông có bằng chứng cho thấy Balal sống ở Italia để giấu các quỹ của cha mình.

Theo hồ sơ tòa án, ông Uzan đã cung cấp một đoạn thu âm điện thoại từ tháng 12-2013, khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ điêu đứng bởi cáo buộc tham nhũng trong thỏa thuận được gọi là vàng đổi khí gas với Iran. Không rõ ông Uzan có được đoạn thu âm như thế nào, nhưng những gì xảy ra sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước, khi hàng chục nghìn người bị giam giữ, bị bắt hoặc bị sa thải cho thấy chính quyền đương nhiệm của ông Erdogan cứng rắn như thế nào đối với những lực lượng đối lập.

Trở lại năm 2013, khi ông Erdogan là Thủ tướng, một số đồng minh chủ chốt của ông cùng các con của họ đã bị bắt giữ do bị cáo buộc giấu tiền bất hợp pháp. Ông Uzan, người đang sống lưu vong ở Pháp cho rằng, chính thời điểm đó ông Erdogan bảo con trai út của mình - Bilal rời Thổ Nhĩ Kỳ mang theo tiền của gia đình. Theo bản thu âm mà hiện các nhà điều tra Bologna có được, ông Erdogan đã nói với con trai của mình trên điện thoại: “Bất cứ thứ gì trong nhà, hãy mang đi”. Một thời gian ngắn sau, Bilal Erdogan chuyển tới Bologna.

Ngay khi các quan tòa ở Italia ra phán quyết rằng cuộc điều tra sẽ tiếp tục, Tổng thống Erdogan nói con trai ông sẽ không quay lại Italia. “Con trai tôi có ý quay lại Bologna để hoàn thành bằng tiến sĩ nhưng lại có nguy cơ bị bắt”, ông Erdogan trả lời phỏng vấn kênh tin tức Nhà nước Italia Rai News24 mới đây. “Ở Bologna, họ gọi tôi là một nhà độc tài. Tại sao không ai can thiệp? Có phải đó là sự cai trị của luật pháp? Chuyện này có thể làm tổn hại mối quan hệ của chúng tôi với Italia”. Tổng thống Erdogan sau đó nói thêm: “Các thẩm phán Italia nên đối phó với mafia, không phải với con trai tôi”.

Không ngạc nhiên, những lời đó chọc giận Thủ tướng Italia Matteo Renzi khi ông lập tức phản ứng qua Twitter: “Ở đất nước này, thẩm phán làm việc theo luật pháp và Hiến pháp Italia, không phải Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Đó gọi là “sự cai trị của pháp luật”.