Con đường dẫn tới vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

ANTD.VN - Kể từ khi lên nắm quyền tối cao cách đây 5 năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt việc phát triển vũ khí hạt nhân lên ưu tiên hàng đầu.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị nhiệt hạch. Ảnh: KCNA

Trước vụ thử hạt nhân hôm 3-9, chỉ trong hơn một thập kỷ, Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân, vụ sau mạnh hơn vụ trước. Vụ thử gần đây nhất diễn ra hồi tháng 9-2016 nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Triều Tiên. Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên, KRT, khi đó thông báo rằng nước này đã thử nghiệm thành công một đầu đạn mới phát triển.

Triều Tiên tin rằng những vụ thử này chứng minh nước này là cường quốc hạt nhân. KRT thậm chí còn cho rằng, Triều Tiên là “cường quốc hạt nhân mạnh nhất trên trái đất”.

Các vụ thử nghiệm đã được tiến hành với tần suất ngày càng tăng dưới thời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kể từ khi ông này lên nắm quyền vào năm 2012.

Cha của ông Kim Jong-un, cố Chủ tịch Kim Jong-il, đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân trong suốt 17 năm lãnh đạo đất nước Triều Tiên.

Triều Tiên bắt đầu mở rộng chương trình hạt nhân của mình với sự trợ giúp của Liên Xô trong những năm 1980. Tất cả các vụ thử đã diễn ra tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở phía đông bắc Triều Tiên.

Trọng tâm của chương trình là một lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm 5.000 kilowatt, được cho là dùng để chiết xuất plutoni.

Năm 2007, chỉ 1 năm sau vụ thử hạt nhân đầu tiên, Triều Tiên đã đồng ý hủy kích hoạt lò phản ứng sau cuộc đàm phán sáu bên với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, quốc gia này đã thay đổi ý định vào năm 2015. Truyền thông nhà nước Triều Tiên thông báo rằng tất cả các cơ sở hạt nhân, bao gồm nhà máy làm giàu uranium và lò phản ứng thử nghiệm, đã được tái khởi động.

Kể từ đó, chương trình đã được mở rộng. Hàn Quốc ước tính Triều Tiên sở hữu hơn 50 kg plutoni, có thể dùng để chế tạo 12 quả bom hạt nhân. Các nhà quan sát cho rằng con số này thậm chí có thể cao hơn.

Mặc dù bị gia tăng các biện pháp trừng phạt và lên án trên bình diện quốc tế, Bình Nhưỡng vẫn không có dấu hiệu ngừng chương trình vũ khí. Các phương tiện truyền thông Mỹ gần đây cho biết các quan chức tình báo nước này tin rằng Triều Tiên hiện có khả năng sản xuất đầu đạn hạt nhân lắp vừa trên tên lửa.

Các chuyên gia nói rằng phân tích này cho thấy rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang tiến nhanh hơn nhiều so với những suy nghĩ trước đó.