Còn cơ hội để giảm lãi suất
(ANTĐ) - “Chúng ta có thể tin rằng lạm phát năm nay sẽ dưới 10% chứ không lên đến mức gần 12% như năm ngoái”, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo.
- PV: Ông có thể cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, giá xăng dầu sẽ tác động như thế nào tới lạm phát?
- Tính toán cho thấy việc điều chỉnh tỷ giá có thể làm CPI tăng thêm khoảng 1,1%. Điều chỉnh giá xăng làm CPI tăng thêm khoảng 0,54% cả năm (tính nhiều vòng). Điều chỉnh giá điện có thể làm CPI tăng thêm 0,71%. Như vậy, tổng 3 khoản có thể làm CPI tăng khoảng 2,5%. Bên cạnh đó còn có một yếu tố khác là giá lương thực, thực phẩm đã tăng 6 tháng liên tục ở mức rất cao.
Chúng tôi dự báo từ tháng 3 giá lương thực, thực phẩm sẽ giảm mạnh, hiện nay đã có một số mặt hàng lương thực, thực phẩm đã giảm giá. Dự báo trong cả năm 2011, giá lương thực thực phẩm giảm hoặc tốc độ tăng rất nhỏ có thể giúp CPI giảm khoảng 2,5 đến 3%/năm. Bù vào khoản tăng giá của điện, xăng dầu.
Như vậy lạm phát năm nay phụ thuộc rất lớn vào cung tiền. Chính phủ đã điều chỉnh từ mức 28% năm ngoái xuống dưới 20%, tín dụng cũng đưa từ 30% năm ngoái xuống dưới 20% trong năm nay. Việc điều chỉnh trên sẽ giảm tổng cầu mạnh mẽ, giúp lạm phát giảm tương đối. Cộng cả 3 yếu tố, tăng giá đầu vào, giảm giá nông sản và giảm cung tiền chúng tôi dự báo lạm phát năm nay ở mức khoảng 9%. Quý I chúng tôi dự kiến CPI ở mức 4,4 - 4,5% (thông thường quý I chiếm 1/2 của cả năm). Chúng ta có thể tin rằng lạm phát năm nay sẽ dưới 10% chứ không lên đến mức gần 12% như năm ngoái.
Giảm lạm phát sẽ là cơ hội để giảm lãi suất |
- PV: Theo ông, lạm phát sẽ ở mức dưới 10%, như vậy có cơ hội cho việc giảm lãi suất trong năm nay không?
- Tôi cho rằng trong năm nay từ quý I đến quý IV Chính phủ sẽ kiên trì chính sách thắt chặt. Như vậy từ quý III trở đi lạm phát có thể giảm đáng kể, lúc bấy giờ mới có cơ hội để giảm lãi suất. Lãi suất cũng có một cơ hội nữa để giảm, đó là năm nay Chính phủ giảm rất mạnh đầu tư công (năm ngoái trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc, trái phiếu địa phương lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, năm nay vốn trái phiếu phát hành chỉ khoảng 1 nửa). Như vậy vốn từ khu vực công được điều tiết khá mạnh sang khu vực tư giúp vốn khu vực tư dồi dào hơn. Năm ngoái mặc dù cung tiền khá mạnh (khoảng 30% tăng trưởng tín dụng là rất lớn), nhưng dồn vào khu vực công, công trình trọng điểm rất nhiều. Một phần trong đó có thể dùng cho việc đảo nợ từ gói kích thích kinh tế.
- PV: Theo số liệu thì tổng thu ngoại tệ cả nước năm nào cũng dương (ngoại tệ vào nhiều hơn ra) nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm USD?
- Thứ nhất là do việc nhập khẩu vàng lậu qua biên giới rất lớn, như vậy một lượng lớn ngoại tệ chuyển vào vàng. Một khối lượng lớn khác là doanh nghiệp găm giữ tại tài khoản ngoại tệ trong các ngân hàng không bán ra và dân chúng cất giữ. Tôi đã làm 1 cuộc kiểm tra các tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của dân cư, có người gửi trong tài khoản 260 triệu USD, con số này phần nào cho thấy tình trạng găm giữ ngoại tệ rất khủng khiếp. Chúng ta không thiếu ngoại tệ nhưng dân chúng không đủ lòng tin để bán ra thị trường. Chúng ta có thừa ngoại tệ, nên về nền tảng là có đủ khả năng ổn định tỷ giá.
Tình trạng đô-la hóa ngày càng nghiêm trọng, không có quốc gia nào để tình trạng đô-la hóa như Việt Nam. Theo định nghĩa của IMF là chừng nào ngân hàng đồng ý nhận tiền gửi bằng ngoại tệ và cho vay bằng ngoại tệ thì có nghĩa là bị đô-la hóa. Ngoại tệ trên thị trường tự do lũng đoạn được là vì nó có thể gửi ở ngân hàng, khi cần đầu cơ thì được rút ra, khi không cần đầu cơ thì lại gửi ngân hàng. Lực lượng tín dụng này ngày càng lớn (hàng chục tỷ USD) và thậm chí quay trở lại thao túng thị trường. Do đó, về mặt trung hạn cần chống bằng được đô-la hóa.
Anh Tú (Ghi)