Có nên "nới" tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn?

ANTD.VN - Quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 50% hiện nay xuống còn 40% kể từ đầu năm 2018 theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN được cho là sẽ gây áp lực không nhỏ lên lãi suất. Tuy nhiên, việc “nới” quy định này hay không lại đang là vấn đề còn nhiều băn khoăn. 

Có nên "nới" tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn? ảnh 1Một số ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi buộc phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Tổng lực huy động vốn trung, dài hạn

Trước đó, bắt đầu từ năm 2017 theo lộ trình Thông tư 06, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã giảm từ 60% xuống còn 50%. Quan sát trên thị trường cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã tăng đột biến từ khoảng tháng 7-2016 (thời điểm Thông tư 06 có hiệu lực). Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tăng 4,55% và nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tăng 2,17% so với tháng trước đó.

Tuy nhiên ngay sau đó, bằng tổng lực các giải pháp huy động vốn trung và dài hạn, tỷ lệ này đã giảm dần. Hầu hết các ngân hàng đều tăng vốn điều lệ, giữ lại lợi nhuận không chia cổ tức để tăng vốn tự có cấp 1. Đặc biệt, những tháng cuối quý I và trong quý II-2017, nhiều ngân hàng TMCP đua nhau phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn để tăng vốn tự có cấp 2. Lãi suất huy động trung và dài hạn cũng được nhích lên, các ngân hàng triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn trung dài hạn, tiết kiệm tích lũy…

Kết thúc quý I-2017 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 33,32%, giảm 1,19% so với cuối năm 2016. Đáng chú ý, trong khi nhóm ngân hàng TMCP tỷ lệ này giảm tới 2,83% so với đầu năm, ở mức 37,1% vào cuối quý I  thì ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, con số này lại tăng 0,36% ở mức 37,68%. Điều này cho thấy việc tăng cường các giải pháp huy động vốn trung và dài hạn với công cụ lãi suất đã giúp cho dòng vốn trung dài hạn tại các ngân hàng TMCP tăng trưởng tốt.

Về hoạt động cho vay, các ngân hàng đang chuyển dịch dần cho vay trung dài hạn sang cho vay ngắn hạn, tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng dần từ cuối năm 2016, trong khi tín dụng trung dài hạn giảm dần. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh phát triển tín dụng trung dài hạn bị giới hạn bởi tỷ lệ quy định trên thì các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ phải đẩy mạnh tín dụng ngắn hạn để tăng vòng quay vốn nhằm đạt được suất sinh lời tối ưu hơn. Với tình hình hiện nay, có thể thấy việc đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức dưới 50% về cơ bản các ngân hàng sẽ không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi con số giảm về 40% trong năm tới, không ít ngân hàng sẽ phải chật vật để đáp ứng.

Áp lực gia tăng

Lâu nay, việc gửi tiền với thời hạn quá dài luôn khiến người dân lo ngại do những biến động về lạm phát, tỷ giá… Đây chính là lý do tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở các ngân hàng tương đối cao. Để đáp ứng Thông tư 06, những tháng đầu năm 2017, các ngân hàng TMCP nhỏ đã gần như “dốc” toàn bộ kế sách để tăng cường huy động dòng vốn trung và dài hạn. Sau cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất có thể lên đến 9%/năm vào những tháng đầu năm thì từ tháng 6 vừa qua, một làn sóng tăng lãi suất huy động trung và dài hạn mới lại hình thành. 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) áp dụng biểu lãi suất huy động mới, trong đó các kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng có mức tăng 0,1-0,2%/năm. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng điều chỉnh tăng nhẹ 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn. Ngân hàng An Bình cũng tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn với mức lãi suất có thể lên tới 8,65% mỗi năm… Dù vậy, trên thực tế việc huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi không thu hút được tỷ lệ khách hàng tăng đột biến. Chính vì vậy, không ít chuyên gia lo ngại trong năm tới việc tăng cường huy động nguồn vốn trung dài hạn với các ngân hàng nhỏ là không còn nhiều dư địa. Hơn nữa, cuộc đua lãi suất trung và dài hạn và phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao như hiện nay cũng có thể khiến chi phí huy động của các ngân hàng tăng dẫn đến lãi suất cho vay tăng theo, đặc biệt là lãi suất trung, dài hạn. 

Các chuyên gia cho rằng hiện nay hệ thống ngân hàng đang phải gánh trên vai quá nhiều áp lực về nguồn vốn và huy động vốn. Một mặt ngân hàng đang phải huy động vốn để cung ứng cho nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm 2017; mặt khác lại phải đáp ứng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn theo Thông tư 06. Trong khi đó, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá, lạm phát trong nước có dấu hiệu tăng trở lại, triển vọng xử lý nợ xấu trong tương lai gần chưa thực sự sáng sủa thì áp lực với mặt bằng lãi suất trong trung và dài hạn là rất rõ.

Có nên “nới” Thông tư 06? 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, thực tế trong nửa đầu năm 2017, mặc dù lãi suất tương đối ổn định song trên thực tế, đang có áp lực tăng nhẹ trong cho vay ở những kỳ hạn dài. Cụ thể, lãi suất cho vay kỳ hạn dưới 6 tháng có xu hướng đi ngang thì ở kỳ hạn trên 6 tháng đã tăng nhẹ khoảng 0,2-0,5%/năm.

“Huy động vốn tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2016 trong khi tín dụng tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Hệ số tín dụng/vốn huy động tăng nhẹ 1,53% so với cuối năm 2016”, vị chuyên gia này cho biết. Vì vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, NHNN từ giờ đến cuối năm sẽ phải có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, cần xem xét thêm Thông tư 06 vì việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 50% xuống 40% trong năm tới sẽ rất khó khăn cho hệ thống ngân hàng về nguồn vốn trung và dài hạn cũng như về thanh khoản. Vì như vậy, ngân hàng lại phải đẩy huy động vốn, đồng nghĩa là lại phải đẩy lãi suất lên, khiến cho đầu ra thêm khó khăn. 

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết sẽ xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn phù hợp hơn với thực tế nhằm giảm bớt áp lực cho các ngân hàng thương mại. Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, điều bất cập hiện nay là tín dụng trung dài hạn vẫn chiếm 53-55%, trong khi vốn huy động trung dài hạn chỉ chiếm 13-15%. Đây là rủi ro rất lớn cho hoạt động ngân hàng khi mất cân đối về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia lại cho rằng không nên “nới” Thông tư 06. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bất kỳ một quyết định nào của NHNN đều trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc các khía cạnh. Vì vậy, nếu cứ phải dời lại những quyết định như thế làm phương hại đến uy tín của một ngân hàng Trung ương.

“Tất nhiên trong những tình thế cụ thể sẽ có sự linh động nhưng không nên thay đổi những quyết định như thế thường xuyên”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm và cho rằng việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% sẽ bắt buộc các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn. “Thực ra tỷ lệ 40% cũng là lớn rồi. Nếu dùng quá nhiều vốn ngắn hạn, khi khách hàng rút tiền ra, ngân hàng không đủ vốn sẽ phải chạy vào trong thị trường vốn huy động với lãi suất cao, sẽ ảnh hưởng đến tình hình lãi suất”. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù Thông tư 06 sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trung và nhỏ, nhưng đây là vấn đề có lợi cho toàn hệ thống.

Để đạt được tỷ lệ này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng phải cân đối lại hoạt động tín dụng để nhu cầu vốn được điều hòa. Thứ hai là các ngân hàng vẫn có khả năng tăng huy động trung và dài hạn với công cụ lãi suất, vì lãi suất trung và dài hạn đang thả nổi. Tất nhiên có thể sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, nhưng trong các lựa chọn không có lựa chọn nào tốt cho tất cả, vì vậy phải chấp nhận việc lãi suất sẽ bị áp lực.

“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá diễn biến chính sách tiền tệ để xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn phù hợp hơn với thực tế nhằm giảm bớt áp lực cho các ngân hàng thương mại”. 

Ông Lê Minh Hưng (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)