Có lẽ phải cần “trọng tài”

ANTĐ - Sau loạt bài “Bến xe quá tải do ai?”, Báo ANTĐ đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, phân tích, đánh giá khách quan về những nguyên nhân của “căn bệnh khó chữa” tại các bến xe.

Bến xe Hà Nội có quá tải?

Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội: “Phải đặt hiệu quả đảm bảo ANTT lên hàng đầu”

Sáu bến xe của Hà Nội đã và đang tạo áp lực lớn với đô thị, đặc biệt luôn “cuốn” đông nhất nhân lực để đảm bảo trật tự trong bến cũng như các tuyến đường xe khách hoạt động. Riêng dịp Tết vừa qua, ngoài các đội phụ trách địa bàn, Phòng CSGT đã phải tăng cường hơn 100 CBCS với hơn 50 xe mô tô phân khối lớn để tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường xe khách ra vào 6 bến xe này, mới cơ bản giữ được ổn định, trật tự. Tôi cho rằng, công tác tổ chức, quản lý đối với bến xe, công tác sắp xếp tuyến, nốt… phải đặt lên cao nhất là hiệu quả đảm bảo, giữ gìn ANTT. Bến xe chỉ được tiếp nhận lượng xe đúng với công suất thiết kế. Việc tổ chức, bố trí lượng xe những ngày bình thường và ngày cao điểm phải có tính toán kỹ càng, dài hơi, chứ như hiện nay vẫn là “ăn xổi”. Vi phạm của xe khách cần bị đơn vị quản lý bến, cơ quan quản lý vận tải xử lý nghiêm khắc hơn nữa. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng (bến xe). Lực lượng CSGT đã và đang cố gắng hết mình, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Cái gốc phức tạp ở đây là công tác quy hoạch, tổ chức, sắp xếp bến, luồng tuyến.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Bến xe Hà Nội không quá tải!

Các bến xe của Hà Nội có quá tải không? Tôi cho rằng không! Như bến Mỹ Đình những ngày cao điểm vừa qua, không thể đạt con số 1.200 - 1300 lượt/xe/ngày. Cán bộ của Sở đếm xe hàng ngày, thống kê chỉ khoảng 800 - 900 lượt. Nguyên nhân chính ở không riêng bến xe Mỹ Đình, đó là do sự thiếu khoa học, thiếu quyết liệt của các đơn vị quản lý bến, như vẫn để “cò” hoạt động; tổ chức dịch vụ tràn lan; không chú trọng lối ra vào bến. 

Quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước, trước tiên là phải đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn, rồi đảm bảo TTGT- ĐT, và thứ ba mới là phục vụ nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. Nhận định “cung” vượt quá “cầu” thể hiện qua hình ảnh xe không, hoặc ít khách rời bến, tôi cho là không chính xác. Đơn cử như bến xe Mỹ Đình, lượng xe đã rất đông nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp muốn vào hoạt động. Xe không rời bến, nhưng sau đó họ sẽ dừng đón khách trên đường, trên quốc lộ. “Lỗi” ở đây theo tôi, một phần do công tác quản lý Nhà nước. Trên các trục đường đi, chúng ta chưa bố trí được các điểm dừng đỗ cho xe đón khách. Sở GTVT từng trình thành phố đề án lập các điểm “gom” xe khách trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên được biết đề án này khó được phê duyệt, vì quỹ đất không còn nhiều. 

Ông Vũ Văn Tú - đại diện Công ty CP Vận tải ô tô Ninh Bình: Bất cập không biết kêu ai

Xe khách của doanh nghiệp tôi hoạt động ở bến xe phía Nam, và từ năm 2008 trở lại đây, không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp vận tải khác đều không đồng tình trước chủ trương, quy định trong Thông tư số 14, năm 2008 của Bộ GTVT, về giao quyền sắp xếp luồng tuyến ở các bến xe cho Sở GTVT các tỉnh, thành phố. Trước kia, chúng tôi được hiệp thương, được cùng bàn thảo với đơn vị quản lý bến, từ đó được phân bổ luồng tuyến, giờ chạy. Bây giờ thì ngược lại. Bất cập cũng không biết “kêu” ai. Nên chăng có quy định mới để làm sao nắm bắt kịp thời và điều chỉnh những vấn đề khúc mắc nảy sinh cho doanh nghiệp vận tải, để doanh nghiệp được tiện lợi nhất phục vụ hành khách. Dù sao, chúng tôi cũng là những người tham gia vận tải, có đóng góp nhất định cho xã hội, nên rất cần được có tiếng nói trong công việc hàng ngày…

Đại diện một đơn vị quản lý bến xe: Công bằng - điều quan trọng

Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với cơ quan quản lý giao thông vận tải hai vấn đề. Thứ nhất, là quy định của Thông tư số 14 của Bộ GTVT. Tôi từng trao đổi với người có trách nhiệm của Bộ GTVT về Thông tư này, và được trả lời, vì đơn vị quản lý bến cũng chỉ là doanh nghiệp, nên không thể để doanh nghiệp “hoạch định” đường lối hoạt động luồng tuyến, giờ chạy, mà phải giao trách nhiệm ấy cho các Sở GTVT địa phương. Xin hỏi, doanh nghiệp thì sao? Có bất hợp lý không, nếu giao cho chúng tôi lên lịch trình chạy xe, luồng tuyến, trên cơ sở trao đổi với các doanh nghiệp vận tải? Rồi lịch trình ấy chúng tôi vẫn phải báo cáo về Sở GTVT để xin phê duyệt, chứ đơn vị quản lý bến có quyết được đâu. Hoạt động của bến xe được xây dựng trên cơ sở năng lực hạ tầng của bến, từ đề xuất của bến, là hợp lý.

Vấn đề thứ hai, vận tải hành khách phải “vị” người dân, hay “vị” TTGT- ĐT của thành phố? Theo tôi, ở các đô thị lớn như Hà Nội, nhất định phải đặt vấn đề đảm bảo trật tự đô thị lên hàng đầu. Việc đi lại của hành khách thực chất là thói quen, và nhà tổ chức giao thông có thể điều chỉnh thói quen ấy được. Nói đơn giản như chống ùn tắc giao thông ở ngã tư, người ta phải mở đường nhánh, hoặc tạo dải phân cách cưỡng bức tránh xung đột trực tiếp. Người dân phải vòng tránh, phải tốn xăng, tốn thời gian, nhưng rõ ràng ùn tắc giảm. Vận tải khách cũng vậy, phải tuyên truyền và người dân cũng phải hiểu, chấp nhận chịu chút thiệt thòi, khó khăn, vì cái chung của vận tải khách nói riêng và TTGT- ĐT thành phố nói chung. Rõ ràng lâu nay, việc tổ chức giao thông vận tải khách không hợp lý. Các cơ quan, cán bộ chức năng hãy đi thực tế, bằng cái tâm và trách nhiệm của mình, sẽ thấy hết điều đó.