Chuyện ly kỳ về những kho báu khổng lồ

ANTĐ - Trên đất nước Việt Nam vẫn luôn tồn tại vô số những kho báu và những truyền thuyết về những kho báu của người xưa, khiến bao người đã lao tâm khổ tứ, bỏ cả gia đình, sự nghiệp, bỏ phí cả cuộc đời để theo đuổi một giấc mộng viển vông không có hồi kết… Những lời đồn thổi về một kho báu chứa hàng tạ vàng, rất nhiều viên ngọc quý, một kho báu khổng lồ đang nằm đâu đó trong lòng đất với độ sâu vài chục mét vẫn luôn là đề tài nóng hổi của những kẻ nuôi “mộng làm giàu” bằng việc tìm kiếm những kho báu mà họ tin chắc là có thật.

Những kho báu huyền bí

Hàng trăm cuộc tìm kiếm khác đã, đang, và vẫn sẽ diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam gây nên bao câu chuyện thương tâm, khốn khổ. Những lời đồn thổi về kho báu Hoàng Hoa Thám chứa hàng tạ vàng ở Yên Thế, câu chuyện về bí ẩn kho báu trên đỉnh núi Rồng ở Hòa Bình, truyền thuyết kho báu ở núi Rùa (Hải Phòng) hay là huyền thoại về 4 phiến đá toàn vàng bạc châu báu ở Vân Côn (Hoài Đức - Hà Nội). Câu chuyện nào cũng ly lỳ và hấp dẫn với bao tình tiết, bao “mật mã”, “ám khí” lan truyền từ người này qua người khác. Không biết sẽ còn bao nhiêu người lao vào những cuộc tìm kiếm kho báu ấy, nhưng những lời đồn thổi về kho báu thì sẽ chẳng khi nào dừng lại.

Trong lần về Minh Hóa, Quảng Bình, được nghe dân trong vùng kể chuyện ông Công với những cuộc huy động tìm kiếm kho báu mà có cả sự tham gia của chính quyền. Rằng có một cặp vợ chồng tích cóp tiền bạc, vay mượn bà con, theo bạn đi buôn trầm, lần ngược ra miền Trung, mò mẫm lên tận Minh Hóa, Tuyên Hóa... Một lần ông Công mua được 9kg trầm trong đêm tối giữa rừng, tưởng là trầm loại 1, mang về Sài Gòn, hóa ra chỉ là gỗ mục! Đúng lúc mất hết vốn liếng, ông đã phát hiện ra một viên đá, trên đó có khắc chìm chữ “Vương” (bằng chữ Hán). Cùng với những giấc mơ xa xưa của mẹ ông, câu chuyện săn tìm kho báu trong tưởng tượng ông Công quyết tâm đi tìm kho báu như một “cơ duyên” tiền định. Ông đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu viên đá này.

Quay ngược rồi quay xuôi, xem chất đá, chất đất nơi tìm ra nó. Ông khẳng định chắc chắn viên đá khắc chữ “Vương” không hoàn toàn xuất hiện ngẫu nhiên nơi đây. Nó có thể là một dấu hiệu, một điểm mốc, cũng có thể là một sơ đồ chỉ hướng, để từ đó tìm ra “đường rút nước”, rồi từ đó giúp ông lần ngược vào kho báu(?). Khoảng năm 1982 -1983, trước đề xuất của ông Công về việc tìm kho báu của Vua Hàm Nghi, UBND tỉnh Quảng Bình, huyện Minh Hóa và các ngành chức năng đã tổ chức huy động lực lượng đông đảo tiến hành đào tìm dưới sự chỉ dẫn của ông Công. Song, càng tìm, càng không thấy tăm hơi kho báu đâu cả.

Lại mới nhớ đến một câu chuyện bí ẩn về dãy núi chứa hàng tấn vàng  ở xã Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội). Không chỉ là một câu chuyện lưu truyền, mà người dân ở đây còn lập miếu thờ "thần của" khiến những câu chuyện xoay quanh về “ hầm vàng” vẫn còn chất chứa nhiều huyền thoại và cả những điều ám ảnh. Đặc biệt, ở khu vực "hầm thần của" là cửa vào của hang kho báu luôn ẩn chứa những điều "thần bí" đang được dân gian và sách vở lưu truyền. Tương truyền, dưới chân núi xưa kia có cô công chúa bị chôn sống để "yểm bùa" giữ của nên cứ đến ngày rằm, ngày lễ, Tết... người dân đến đây để xin lộc. Sự linh thiêng ở Vân Côn chẳng nơi nào sánh bằng, người Vân Côn gọi núi bằng cái tên "Bạch Tuyết", "Cô tiên". Nhiều cao niên cho rằng, thời xưa người Tàu qua địa phương mang theo nhiều vàng bạc, châu báu. Để bảo vệ số tài sản đó, họ đã dựng lên những hòn đá lớn kết thành hầm sâu, sau đó bắt một công chúa xinh đẹp tên là Bạch Tuyết đem chôn sống để "yểm”(?). Chính vì thế, nhiều kẻ tham lam lẻn vào trong núi đào vàng đều bị điên, gia đình lụi bại. Thậm chí, nhiều người đã phải bỏ xác tại ngọn núi này mà không lý giải nổi nguyên nhân cái chết.

Có một điều lạ ở "hầm thần của" là cứ vào buổi chiều tối, trong ngọn núi lại bốc ra một thứ mùi rất khó chịu. Không ai biết đó là thứ mùi gì, mặc dù nó đã diễn ra mấy trăm năm nay. Bởi thế, mỗi lần đi qua ai cũng sợ, chẳng dám làm điều gì bất kính trước "hầm thần của”.

Cũng giống như “hầm thần của” ở xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đây là một truyền thuyết có liên quan đến vàng. Thực chất, ở những khu vực này có thể là nơi lưu trữ của cải hoặc vật dụng của người thời xưa, nhưng người dân thường hay gắn vào đó những chuyện ly kỳ kiểu thuật "yểm bùa" của người Trung Quốc". Người ta còn đồn đại chuyện đôi rắn hổ mang to như thân cây, đầu có mào rất dữ tợn nằm vo tròn canh hai bên cổng hầm làm nhiều kẻ chuyên đi đào bới đồ cổ khiếp sợ. Lại còn có hàng trăm con cóc hình thù kỳ lạ đứng ngoài miệng cửa "hầm thần", mà điều kỳ bí là người dân càng xua đuổi và bắt chúng để đổ đi thì nhưng con cóc đó từ đâu lại mò về càng lúc càng nhiều... Những bí ẩn chưa có lời giải nên hàng loạt giai thoại vừa hư vừa thực cứ thế lan truyền ở xã Thanh Tâm. Vì thế, chuyện xuất hiện đàn lợn vàng, rắn hổ mang khổng lồ, đàn cóc kỳ dị hàng trăm con, cho đến nay vẫn như chuyện cổ tích có thật! Vào những năm 1983 - 1984 đã có người đến đào hầm để tìm của cải, nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì mà cuộc đào núi bất thành. Từ ngày đó đến giờ không ai còn có ý định đào núi tìm của cải, ấn tín hay lùng bắt lợn vàng nữa".

Kho báu hay nỗi đau?

Có một cuộc tìm kiếm kho báu quy mô lớn khác tại Nghệ An đã làm xôn xao nhân dân quanh vùng về việc gia đình ông Nguyễn Viết Quý (SN 1955), trú tại xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành, Yên Thành bỗng dưng xới tung vườn nhà để… tìm kho báu theo lời kể về giấc mơ của bà vợ ông Quý. Chuyện là trước đó ít lâu, bà Ban - vợ của ông Quý đêm nằm mơ thấy tổ tiên về mách bảo ngay dưới lòng đất trong mảnh vườn của gia đình có tồn tại một kho vàng của tổ tiên cất giấu hàng trăm năm nay(?). Kho vàng đó nằm dưới độ sâu khoảng 20m so với mặt đất. Thấy giấc mơ quá kỳ lạ, gia đình đã đi xem bói thì quả đúng như giấc mơ, thầy bói cũng phán “có một kho báu đang nằm ngay phía sau vườn nhà của gia đình” (!?). Từ Hà Nội, ông Quý đã tức tốc về và mời thầy cúng đến làm lễ tạ xin phép thổ thần, được khai quật kho báu của tổ tiên. Khu vườn nhà ông Quý rộng đến hàng trăm mét vuông gần như đã bị đào bới nham nhở, chỉ còn lại khu nhà ở là vẫn còn nguyên. Xung quanh vườn nhà ông Quý là những hố  đến cả hàng chục mét vuông sâu hoắm và những bãi đất hàng nghìn mét khối còn tươi mới vừa mới được múc lên. Cuộc tìm kiếm kho báu của ông Quý đến nay vẫn chưa thấy kết quả gì, chỉ có điều, ông vẫn hàng ngày đổ hết tiền của trong gia đình vào việc đào bới khắp khu vườn với một thái độ quả quyết: “Hồi sau sẽ rõ”.

Cũng một câu chuyện thực về cuộc tìm kiếm “kho báu ba tạ vàng” tại Bắc Giang do 2 thương gia Hải Phòng là ông Dương Minh Châu và ông Đỗ Phương (một người am hiểu về lĩnh vực địa chất) thực hiện kéo dài trong 10 năm ròng rã. Ông Châu cho biết, trong thời gian đào bới, nhóm tìm kiếm “kho báu” đã gặp vô số chuyện kì lạ. Đặc biệt ấn tượng là hai thứ mà ông gọi là “ám khí” và “mật mã”, những điều tưởng chừng chỉ có trong phim hành động của Mỹ.

Qua tìm hiểu được biết, ngọn đồi kia từng là khu quân giới của quân đội Trung Quốc trong thời kỳ quân Tưởng sang Việt Nam giải giáp quân Nhật trong chiến tranh thế giới thứ II. Có lẽ, những câu chuyện về sự lùng sục kho báu của người Trung Quốc lưu truyền trong dân gian cộng với sự kì bí về “ám khí” và “mật mã” đã khiến ông Châu càng thêm tin tưởng về kho báu bí ẩn này. Sau hơn 10 năm “trường kỳ chiến đấu với thổ địa”, hai ông Châu và Phương không những không tìm được kho báu mà ngược lại đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng (vào những năm 1990-2000 thì đây là số tiền khổng lồ). Cùng với đó là nhiều gia đình tan nát vì mất tiền của, công sức, thậm chí mất cả mạng sống. Có cặp vợ chồng đã đầu tư hơn 100 triệu đồng những mong được chia phần khi tìm được kho báu, nhưng cuối cùng mất trắng. Nhưng mất mát nhiều nhất có lẽ là ông Sang, người làng Đại Hóa. Để đầu tư vào cuộc tìm kiếm này, ông Sang đã bán nhà cửa đất đai lấy tiền góp cổ phần. Kế hoạch tìm kho báu đổ vỡ kéo theo sự đổ vỡ của gia đình ông. Vợ chồng mâu thuẫn, con cái bất đồng với bố đã làm tan nát gia đình. Mỗi người ly tán một nơi vì không có nhà để ở. Ông Sang cũng vì biến cố lớn lao này mà lâm bệnh, mất sau đó không lâu.

Thực tế trong khi phát giác ra các ngôi mộ cổ người ta thường thấy  trong mộ có nhiều cổ vật, tiền bạc là vì người xưa quan niệm “trần sao âm vậy”. Họ chia của cho người chết để dùng ở thế giới bên kia nên khi khai quật mộ cổ có  thu được cổ vật cũng không có gì lạ.  Ông Dương Văn Thớ, người sống 60 năm dưới chân núi Rùa, một trong ba quả núi ở làng Mỹ Cụ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) có chứa vô số mộ Hán, kể rằng trong lòng quả núi này có vô số mộ vòm cuốn. Một vài miệng hầm do giới đào trộm mồ mả đào bới, những chỗ núi lở, chỗ dân phá núi, lộ ra những vách mộ, miệng vòm cuốn. Có thể đây làm một nghĩa địa mộ kiểu Hán khổng lồ.

Từ những suy luận mông lung thiếu căn cứ vẫn có bao con người đã lao vào cuộc tìm kiếm kho báu với một khát vọng đổi đời và một niềm tin cháy bỏng vô căn cứ. Bao gia đình tan nát vì đổ của cải vào những cuộc đào bới, tìm kiếm vô vọng mà không có điểm dừng. Nhiều người sau khi mất hết của cải, gia đình vào những cuộc tìm kiếm vô nghĩa, khi được hỏi vẫn tin rằng kho báu là có thật.