Chuyển khoản từ 10 triệu phải xác thực sinh trắc học: Ngân hàng than khó, cơ quan quản lý nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc áp dụng quy định giao dịch từ 10 triệu phải xác thực sinh trắc học sẽ chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển khoản, không áp dụng với giao dịch thanh toán.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên Internet.

Cụ thể, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học (như khuôn mặt, tĩnh mạch ngón tay hoặc bàn tay, vân tay, mống mắt, giọng nói).

Theo Ngân hàng Nước nước, công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất.

Quy định trên được áp dụng từ ngày 01/7/2024. Đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, thời gian áp kể từ ngày 01/01/2025.

Giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng trở lên sẽ phải xác thực sinh trắc học

Giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng trở lên sẽ phải xác thực sinh trắc học

Liên quan đến vấn đề này, một số tổ chức tín dụng lo ngại sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, hay đồng bộ cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng mục tiêu cao nhất của quy định trên là bảo vệ an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng, do đó các tổ chức tín dụng phải phát huy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ khách hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trên thực tế, Quyết định 2345 không phải đột ngột, mà ngay từ ngày 24/4/2023, khi Ngân hàng Nhà nước và và Bộ Công an ký kết Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 thì đã đặt ra vấn đề định hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng dữ liệu sinh trắc học cho việc xác thực các giao dịch thanh toán.

Hơn nữa, Quyết định 2345 quy định thời hạn áp dụng là từ ngày 1/7/2024 mới đưa vào áp dụng, các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là từ ngày 01/01/2025, do đó đã đủ thời gian cho các tổ chức tín dụng nghiên cứu, trang bị, mua sắm.

Cũng theo ông Tuấn, Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định liên quan đều yêu các tổ chức tín dụng khi mở tài khoản và khi khách hàng sử dụng tài khoản phải đảm bảo đúng chính chủ.

“Chúng ta phải có trách nhiệm với tiền gửi người dân, không để kẽ hở và sử dụng tài khoản một cách tùy tiện, không đảm bảo chính chủ. Chúng tôi rất mong các tổ chức tín dụng hết sức phát huy trách nhiệm bảo vệ khách hàng. Người ta tin tưởng thì mới mở tài khoản tại ngân hàng mình, nên là phải làm sao người dân hoàn toàn không lo lắng về lừa đảo, gian lận, mất mát. Và khi có hiện tượng lừa đảo, gian lận thì chúng ta sẽ giữ được ở mức tối thiểu nhất, vì nếu chuyển quá hạn mức đó thì phải xác thực sinh trắc học” – ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Thanh Toán cũng nêu rõ, quy định trên chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền mà không áp dụng với các giao dịch thanh toán. Tất cả các giao dịch thanh toán đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán, các điểm mua hàng do các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu bên thanh toán phải xác thực sinh trắc học.

“Ví dụ thanh toán tiền điện hàng trăm triệu, phí giao thông, nộp thuế, bảo hiểm… hàng trăm triệu, có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Nhưng trường hợp chuyển tiền từ người A qua người B thì trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học thể hiện tôi là chủ tài khoản, tôi chuyển khoản tiền đó.

Trường hợp chuyển khoản dưới 10 triệu đồng thì trong ngày hôm đó cho phép tổng số dư chuyển tiền không quá 20 triệu mà không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Nếu vượt 20 triệu đồng thì giao dịch tiếp theo sẽ yêu cầu xác thực sinh trắc học và sau đó sẽ reset trở lại mức 20 triệu tiếp theo” – ông Phạm Anh Tuấn giải thích thêm.