Chuyên gia lý giải khúc mắc về kháng thể sau khi tiêm vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số người dân Nga sau khi tiêm vaccine Covid-19 đã làm xét nghiệm kháng thể. Khi phát hiện ra mức độ bảo vệ của vaccine dưới ngưỡng, họ bắt đầu hoang mang, lo lắng và thất vọng.

Theo số liệu thống kê, trung bình từ 3% đến 10% số người được tiêm vaccine Covid-19 phải đối mặt với những tình huống như trên do các nguyên nhân khác nhau:

- Một là, do xác định sai loại xét nghiệm: Vì vaccine tạo ra kháng thể đối với protein đột biến (S-protein) của virus, nhân viên xét nghiệm cần sử dụng xét nghiệm chẩn đoán kháng thể với S-protein, còn làm xét nghiệm với protein nucleotide (N-protein) của virus corona là vô ích.

- Hai là, hệ miễn dịch của người tiêm chưa kịp tạo ra kháng thể. Ở một số người, đặc biệt ở người cao tuổi, quá trình tạo khả năng miễn dịch có thể phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến, tức là không phải 42 ngày mà là 60-70 ngày.

- Ba là, nếu người tiêm đã được tiêm loại vaccine dựa trên vectơ virus adeno, không loại trừ khả năng người đó có miễn dịch với một trong những virus adeno. Cơ thể nhận ra virus này khi tiếp cận tế bào nên khả năng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 không được hình thành. Theo các chuyên gia, người này có thể làm xét nghiệm để biết mình có miễn dịch với virus adeno hay không, sau đó nên thử tiêm lại loại vaccine Covid-19 khác.

- Bốn là, người tiêm có thể đã tiêm loại vaccine được bảo quản không đúng quy định như không duy trì nhiệt độ theo đúng yêu cầu.

- Năm là, có thể là do người tiêm đã sử dụng một số loại thuốc gây cản trở quá trình tạo khả năng miễn dịch khi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đó là các loại thuốc Corticosteroid, Tsitostatiki và các thuốc ức chế miễn dịch.

- Sáu là, người tiêm có thể đã mắc một bệnh nào đấy khiến việc tạo ra kháng thể sau khi tiêm vaccine Covid-19 bị ngăn cản. Đó có thể gồm virus gây suy giảm miễn dịch ở người và một số loại ung thư máu. Ngoài ra, người đó có thể gặp vấn đề với tình trạng miễn dịch nói chung.

- Bảy là, đôi khi không phát hiện được kháng thể khi xét nghiệm không đồng nghĩa với việc không có kháng thể trong cơ thể. Do phổ kháng thể quá thấp, các máy phân tích không thể phát hiện được.

- Tám là, hành vi của người tiêm có thể ảnh hưởng đến việc hình thành khả năng miễn dịch sau khi tiêm chủng. Hơn nữa, chế độ ăn uống, thói quen xấu, căng thẳng mệt mỏi… đều có thể đóng một vai trò nào đó trong việc tạo ra kháng thể.

- Chín là, có một số trường hợp rất hiếm gặp (có không quá 2% những người như vậy) không có khả năng tạo ra phản ứng kháng thể đối với bất kỳ loại vaccine nào. Họ không có kháng thể sau khi tiêm vaccine hoặc đã được chữa khỏi Covid-19.

“Việc lựa chọn loại xét nghiệm cần phải được tiến hành cực kỳ cẩn thận. Nồng độ kháng thể không phải là chỉ số bảo vệ cơ thể. Chúng ta có thể nhiễm bệnh sau khi tiêm vaccine cả khi có nồng độ kháng thể cao, nhưng thường ít hơn so với những người có nông độ kháng thể thấp. Nồng độ kháng thể cao là tốt. Nhưng, trong một số điều kiện nhất định, nồng độ kháng thể cao có thể góp phần gây viêm ở mô phổi. Không cần thiết phải làm xét nghiệm kháng thể sau khi tiêm vaccine Covid-19. Nhưng nếu làm, người tiêm có thể theo dõi được mức độ kháng thể của các loại vaccine, biết mình nên sử dụng loại vaccine nào để tiêm lại...”.

Bác sĩ nội khoa Igor Sokolov (Người đã điều trị cho hơn 300 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Nga)