Chuyên gia kinh tế: Thị trường xăng dầu rối rắm, không nên đổ lỗi cho nhau!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với thị trường xăng dầu ở thời điểm hiện tại, các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổi lỗi cho nhau.
Quy định về kinh doanh xăng dầu cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn

Quy định về kinh doanh xăng dầu cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn

Sáng nay (6-3), báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc”.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, đến thời điểm hiện tại, các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định. Doanh nghiệp bán lẻ không thể đổi lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đình Cung, việc liên tiếp thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện tại chỉ khiến thị trường khó khăn hơn. Nhà nước đừng để doanh nghiệp bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách.

“Chúng ta cứ nói về khái niệm chiết khấu này, chiết khấu kia, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác, hãy để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, mà hệ quả là sự thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách. Tóm lại, trong bối cảnh hiện tại các bên không nên đổ lỗi cho nhau, không chia chiến tuyến, không đổ lỗi”- ông Nguyễn Đình Cung nói.

Đồng quan điểm này, PGS TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi thị trường biến đổi quá nhanh, quá bất thường, nên cần một cách ứng xử khác.

“Về điều tiết thị trường, có 2 điểm mấu chốt, giá phải gắn với cạnh tranh tự do. Bên nọ “đổ” bên kia thì doanh nghiệp đã yếu càng yếu hơn. Đề nghị Bộ Công Thương rà soát lại, điều kiện thực tế hiện không đủ để doanh nghiệp hoạt động. Nhiều quy định nhà nước làm cho khái niệm kinh doanh tự do bị thu hẹp, trong khi ta phải mở ra cạnh tranh mới hiệu quả, còn ta lại xiết lại, như giá trần là giá hành chính sẽ làm vỡ thị trường”- ông Trần Đình Thiên nói.

Theo vị chuyên gia này, thị trường xăng dầu hiện còn nhiều bất cập. Để giải quyết những vấn đề này, những quy định nhà nước hạn chế thị trường thì phải bỏ, phải thay đổi hệ thống cơ chế. Về giá, cần gắn với quy định trần giá, ảnh hưởng tới khái niệm chiết khấu, tạo ra vị thế độc quyền, nên có 1 số nhóm bị ảnh hưởng.

Ông Trần Đình Thiên cho biết thêm: “Tôi ủng hộ giá sẽ cho doanh nghiệp quyết định, trước mắt có thể giai đoạn quá độ nào đó. Muốn xử lý được chuyện xăng dầu, quan niệm về ổn định vĩ mô phải được thay đổi. Cùng đó, cần bảo đảm điều kiện cạnh tranh, như điều kiện gia nhập và rút khỏi thị trường theo nghĩa thực của nó”.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, việc điều hành xăng dầu đang sai luật, nửa vời. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, cần nâng điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối.

Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã tham gia và nêu lên thực trạng “khá bi đát” trong thời gian qua. Các doanh nghiệp cùng bàn bạc, đề xuất 2 vấn đề lớn nhất là chiết khấu bán lẻ và cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu từ nhiều nguồn.

Nêu lên thực trạng thua lỗ của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Rim - Giám đốc Công ty TNHH Giang Chấn Hưng (Trà Vinh) - đề nghị làm rõ việc doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng bị lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng kéo theo Chính phủ cần đối tìm chính sách hỗ trợ.

“Vậy doanh nghiệp bán lẻ bị ép bán trong một thời gian dài lỗ đã đến cả nghìn tỷ đồng, chúng tôi có được bù lỗ hay không? Nếu không thì dựa vào đâu để buộc doanh nghiệp bán lẻ phải hy sinh, trong khi doanh nghiệp nhà nước lại được cân đối bù lỗ?”- Bà Nguyễn Thị Rim băn khoăn.

Ông Đỗ Thanh Hán - Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petroleum)- cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc xăng dầu bị đứt gãy là giá. Giá xăng dầu cần phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời trong cả 3 khâu từ đầu mối, phân phối, bán lẻ.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc điều hành lấy giá 6 tháng trước áp cho 6 tháng. Đây là điều trái với quy luật trong khi xăng dầu là mặt hàng biến động rất nhanh theo từng ngày, từng giờ. Ông Đỗ Thanh Hán đề nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh điều chỉnh kịp thời.

Phản hồi tại tọa đàm, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến sửa Nghị định 95, 83. Ngoài tái cấu trúc hệ thống phân phối thì điều hành giá. Một giữ nguyên như hiện nay, hiện bản chất ta đang giữ giá trần nhưng đang thiên góc độ về người dân và CPI.

Việc tính chi phí, tính rà soát cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho doanh nghiệp. Theo tôi, chúng ta nên trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Nhà nước sẽ định hướng, tham chiếu nào đó, vẫn giữ quỹ nhưng quỹ không sử dụng liên tục như hiện nay...”.