Chuyên gia kinh tế cảnh báo: Kéo các ngân hàng vào các gói kích thích là vô cùng nguy hiểm!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng ngân hàng là doanh nghiệp nhạy cảm nhất trong tất cả các doanh nghiệp, vì nó kinh doanh bằng lòng tin của người dân. Vì vậy, kéo các ngân hàng thương mại vào trong bất kỳ một gói kích thích nào đều vô cùng nguy hiểm.

Đây là quan điểm được vị chuyên gia đưa ra tại toạ đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư phối hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức.

Các nước rục rịch tăng lãi suất, Việt Nam lại bàn chuyện hạ

Nói về sự thay đổi trong điều hành kinh tế và cách thích ứng của các quốc gia khu vực châu Á với đại dịch Covid-19, TS Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, hiện nay hầu hết các nước đều tăng trần nợ công để nới rộng dư địa cho chính sách tài khóa.

Với chính sách tiền tệ, nhìn chung các nước châu Á vẫn duy trì chính sách tiền tệ mở rộng. Nhưng bắt đầu từ khoảng tháng 7 đến tháng 9 trở lại đây, một số nước đã bắt đầu nâng lãi suất, tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn tương đối thấp.

So sánh các giải pháp của Việt Nam với thế giới, ông Trương Minh Cường đánh giá các nước đã tung ra các gói tài khóa rất mạnh, trong đó phần lớn sử dụng các biện pháp trực tiếp thông qua chi tiêu Chính phủ, các biện pháp gián tiếp như giãn thuế, giảm thuế có nhưng ít hơn.

Còn Việt Nam lại sử dụng chính sách tiền tệ nhiều hơn, trong khi chính sách tài khóa “còn khiêm tốn, rụt rè”. Do đó, đại diện ADB cho rằng chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò lớn trong thời gian tới.

“Dư địa tài khóa của Việt Nam vẫn còn so với các nước khác. Việt Nam nên cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi, tất nhiên là cần thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn” – ông Cường nói.

Các chuyên gia cho rằng các nước trên thế giới ít sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp hơn so với Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng các nước trên thế giới ít sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp hơn so với Việt Nam

Vị chuyên gia cũng cho rằng các gói kích thích kinh tế cần phân định rõ các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong đó, trung và dài hạn chúng ta đã có. Nhưng ngắn hạn là hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, ông Cường đặt vấn đề dư địa thời gian có còn để thực hiện hay không.

“Lạm phát có xu hướng tăng; các doanh nghiệp Việt Nam 90% bị tác động, 1,8 triệu người lao động thiếu việc làm. Liệu có đủ thời gian để họ đợi nữa không” – ông nói.

Ngoài ra, theo ông Trương Minh Cường, hiện nay xu hướng các nước, trong đó có các nước châu Á đã chuyển sang việc nâng lãi suất, siết các gói tài khóa. Vậy, Việt Nam có đi theo hướng đó không hay đi ngược lại cũng là vấn đề cần đặt ra.

Kéo các ngân hàng vào cuộc là vô cùng nguy hiểm

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cũng lo ngại dư địa thời gian thực hiện các gói kích thích có còn hay không. Việt Nam vẫn đang rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh, hầu hết mới là các gói gián tiếp, mang tính giãn, hoãn, kể cả tài khóa lẫn tiền tệ, các gói hỗ trợ trực tiếp không đáng kể, chưa tới 1% GDP.

Nói về gói kích cầu lãi suất (do ngân sách cấp bù lãi suất) đang được đề xuất và bàn thảo, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, đây cũng vẫn là gói kích thích gián tiếp và hiện chưa có thông tin rõ ràng. Tuy nhiên vị chuyên gia chỉ ra các vấn đề cần xem xét.

Theo ông, các nước gần như không dùng gói này, vì kéo các ngân hàng thương mại vào trong bất kỳ một gói kích thích nào đều vô cùng nguy hiểm. Điều này có thể đẩy hệ thống ngân hàng vào tình trạng khó khăn, làm bảng cân đối tài sản của họ rất xấu.

TS Lê Xuân Nghĩa

TS Lê Xuân Nghĩa

“Nên nhớ rằng ngân hàng là doanh nghiệp nhạy cảm nhất trong tất cả các doanh nghiệp, vì nó kinh doanh bằng vốn của người khác, tức là bằng lòng tin của người dân. Cho nên, trong các cuộc khủng hoảng, người ta không kéo ngân hàng vào cuộc.

Còn chúng ta giảm lãi suất, khuyến khích giảm lãi suất, rồi tới đây lại đưa ra một gói kích cầu như năm 2009 nữa thì tôi nghĩ là không nên. Nếu làm phải có thay đổi, tạo ra một hiệu ứng nhất định nào đó. Nhưng tôi nghĩ hiệu ứng không cao, thời gian bây giờ còn rất ngắn, áp dụng biện pháp này càng làm cho dư địa thời gian trở nên hạn hẹp hơn” – ông nói.

Vì vậy, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất giải pháp đối với gói kích cầu này, theo đó các ngân hàng thương mại sẽ không hạ lãi suất, không hạ chuẩn vay. Doanh nghiệp nào muốn tài trợ thì làm hồ sơ gửi Bộ Tài chính và Bộ Tài chính sẽ tài trợ trực tiếp thay vì cấn trừ tiền tài trợ ngay vào lãi suất của hệ thống ngân hàng.

Ông cũng cho rằng việc cấn trừ tiền tài trợ vào lãi suất sẽ làm lãi suất ngân hàng trở nên méo mó, khoản cho vay đắt, khoản cho vay rẻ, đó là điều tối kị. Thứ hai là hạch toán ngân hàng sẽ vô cùng phức tạp. Thậm chí, đến bây giờ chúng ta vẫn chưa quyết toán xong gói hỗ trợ năm 2009.

Do đó, theo vị chuyên gia, việc không kéo các ngân hàng vào gói kích thích này sẽ giải quyết mấy vấn đề: Không kéo dài kế toán, kiểm toán; không làm méo mó lãi suất thị trường; không đẩy ngân hàng thương mại vào rủi ro có thể có.

Cũng băn khoăn về gói hỗ trợ đang được bàn thảo, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XV cho rằng, từ kinh nghiệm quốc tế, quan ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng “zombie”, tức là những doanh nghiệp không có khả năng tồn tại ngay cả khi được trợ cấp, kéo dài tình trạng “xác sống” trước khi rút khỏi thị trường. “Sợ nhất là khoản vay đó không đi vào đúng đối tượng” – ông nói.