Chuyên gia Ba Lan: Tên lửa Patriot của Mỹ vừa đắt vừa vô dụng

ANTD.VN - Giới cựu quan chức quốc phòng và chuyên gia quân sự Ba Lan chê hệ thống phòng không Patriot 3 (PAC-3) của Mỹ có giá rất đắt, nhưng khả năng đánh chặn lại hạn chế.

Mỹ và Ba Lan ký thỏa thuận PAC-3

Vào đầu tháng 7 năm 2017, Bộ Quốc phòng Ba Lan và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận về việc cung cấp các tổ hợp Patriot. Việc ký kết văn kiện đã diễn ra trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Warsaw.

Hợp đồng chính thức đã được hai bên ký vào hôm 28/3, đại diện cho phía Ba Lan trong thỏa thuận này Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaschak. Ngoài ra, tham dự lễ ký hợp đồng còn có Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Mateusz Morawiecki và Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Paweł Soloch.

Dự kiến, hệ thống SAM Patriot 3 (PAC-3) đầu tiên sẽ được chuyển tới Ba Lan năm 2022. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu (trong năm 2021-2022) hai đơn vị Patriot với tên lửa MSE PAC-3 và các thành phần của hệ thống kiểm soát và liên lạc IBCS sẽ được chuyển tới Ba Lan. Đợt giao hàng đầu tiên sẽ gồm 16 xe phóng, 4 trạm radar và 208 tên lửa.

Như đại diện lãnh đạo Ba Lan đã tuyên bố trước đó, theo kế hoạch, các hệ thống phòng không mới sẽ được triển khai gần biên giới Nga (Ba Lan nằm giáp với vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga là Kanilingrad).

"Với bản hợp đồng mà chúng ta ký kết hôm nay về cung cấp cho Ba Lan các tổ hợp tên lửa hiện đại được nhiều nước sử dụng, chúng ta đã lọt vào câu lạc bộ thượng lưu gồm các quốc gia sở hữu vũ khí hiệu quả để đảm bảo an toàn" - ông Mariusz Błaszczak tự hào nói.

Ông tuyên bố rằng, đây là hợp đồng vũ khí lớn nhất trong lịch sử Ba Lan. Kế hoạch hiện đại hóa lực lượng phòng không đã trở thành một phương hướng ưu tiên trong kế hoạch phát triển lực lượng vũ trang nước này cho nhiều năm tới.

Thông tấn xã Ba Lan PAP đưa tin, chương trình tên lửa phòng không tầm trung "Vistula" (nòng cốt của nó là các tên lửa Patriot) quy định rằng, đây sẽ là một hệ thống di động để bảo vệ một số khu vực và đối tượng quan trọng, các đơn vị trong nước và lực lượng tham chiến ở nước ngoài.

Tuy nhiên, có lẽ tất cả mọi thứ không phải giống như các quan chức quốc phòng Ba Lan mô tả. Giới phân tích cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak đã ký tên vào “một trong những giao dịch vô ích nhất” và trao tặng nó cho Đại sứ Mỹ Paul W. Jones.

Giới chuyên gia chê Ba Lan tốn tiền vô ích

Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, giới chuyên gia quân sự và cựu quan chức quân đội Ba Lan đã lên tiếng chỉ trích hợp đồng này. Một bài viết trên tạp chí "WTO Report" đã chỉ trích những khoản đầu tư lớn của Bộ Quốc phòng Ba Lan là quá lãng phí và tốn kém, lại không hiệu quả.

Theo ý kiến của giới chuyên gia, khả năng phòng không của Ba Lan sẽ bị hạn chế bởi việc họ chỉ mua 2 tổ hợp tên lửa, với tổng trị giá 20 tỷ zloty (khoảng 5,5 tỷ USD). Mặc dù ban đầu Ba Lan có kế hoạch mua 8 tổ hợp với giá 30 tỷ zloty; nhưng bây giờ họ không thể làm như vậy vì giá cả quá đắt.

Hệ thống phòng không Patriot 3 của Mỹ bị nghi ngờ về khả năng đánh chặn

Theo giới chuyên gia quân sự nước này, việc mua hai tổ hợp tên lửa Patriot giống như việc mua mấy chiếc xe Mercedes cho quân đội Ba Lan.

Hai hệ thống này không thể cải thiện khả năng phòng không, thậm chí là không bảo vệ được thủ đô Warsaw nếu có mối đe dọa thực sự. Nếu phải đối mặt với những quả tên lửa Iskander của Nga có thể bay tới từ mọi phía, thì 2 tổ hợp PAC-3 không thể đánh chặn nổi.

Ngoài ra, hợp đồng vừa được ký kết là cái bẫy ẩn. Ba Lan đã đạt được thỏa thuận về một điểm khá quan trọng đối với họ là các tổ hợp tên lửa Patriot phải được trang bị Hệ thống Chỉ huy tên lửa không quân chiến trường tích hợp (IBCS) hiện đại nhất và một radar mới, để trên chiến trường lực lượng "Vistula" của Ba Lan không tụt hậu sau các đồng minh.

Nhưng, vấn đề là ở chỗ các thiết bị này sẽ được cung cấp chậm hơn dự kiến ít nhất là khoảng 3 năm (theo kế hoạch ban đầu, chúng phải được hoàn thành vào năm 2019).

Tờ báo Ba Lan Rzeczpospolita đưa tin rằng, trong năm 2018 tập đoàn Northrop Grumman sẽ sản xuất lô hàng thử nghiệm hệ thống IBCS và sau khi loại bỏ tất cả các khuyết điểm, hệ thống này có thể được chuyển giao cho quân đội Ba Lan trong những năm 2019-2020.

Ngoài ra còn có một vấn đề khác đã được nhắc đến một vài ngày trước trên trang Twitter của cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng Tomasz Siemioniak: “Tại sao Romania mua 3 tổ hợp Patriot và một số phụ kiện cho các hệ thống cũ với giá 3,9 tỷ dollars, còn Ba Lan phải mua 2 tổ hợp với giá 5,5 tỷ dollars?”.

Theo ông Tomasz Siemioniak, Ba Lan phải trả nhiều gấp 2,5 lần so với Romania! Viên tướng về hưu này còn dẫn thông tin của tờ nguyệt san "Quân đội và Công nghệ" ("Wojsko i technika") cho biết, Romania sẽ được bàn giao sớm hơn và với những điều kiện thuận lợi hơn.

Ông Tomasz Siemoniak viết trên microblog rằng, Đảng PiS đã dành 2 năm cho hoạt động vô ích và bây giờ họ quyết mua các hệ thống PAC-3 chỉ nhằm mục đích “mua sự ủng hộ của Washington”, chứ không phải là xuất phát từ tính năng ưu việt của dòng tên lửa phòng không Mỹ.

Trong thời gian qua, dòng tên lửa phòng không Mỹ đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích bởicác hệ thống PAC-3 của Saudi Arabia, UAE đã thể hiện tính năng đánh chặn yếu kém trước những quả tên lửa đạn đạo không mấy nguy hiểm của lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen.

Thậm chí lực lượng Houthi còn dùng tên lửa tấn công thẳng vào trận địa phòng không của Saudi Arabia và UAE, phá tan các hệ thống PAC-3. Điều này chứng minh rằng, các hệ thống tên lửa Mỹ không thể tự bảo vệ nổi mình chứ đứng nói là phòng thủ cho các khu vực khác.