Chuyến công du hạ nhiệt

ANTĐ - Những diễn biến bất ngờ trên biển Hoa Đông sau khi Trung Quốc thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ), bao gồm cả không phận nhóm đảo tranh chấp Điếu Ngư - Senkaku với Nhật Bản, đang khiến Phó Tổng thống Mỹ J. Biden đau đầu trong chuyến công du đến Đông Bắc Á.
Chuyến công du hạ nhiệt ảnh 1
Vùng ADIZ Trung Quốc mới thiết lập sẽ là trọng tâm trong chuyến công du Đông Bắc Á của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden


Chuyến thăm dự kiến sẽ kéo dài một tuần tới 3 nước Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Lịch trình chuyến đi được lên kế hoạch từ lâu và nằm trong chương trình nghị sự đối ngoại của chính quyền B. Obama coi khu vực châu Á là trọng tâm. Chính vì thế, vấn đề mà ông J. Biden đặt lên bàn đàm phán với các nhà lãnh đạo trong khu vực chủ yếu là quan hệ song phương, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế - thương mại.

Tại chặng dừng chân đầu tiên ngày 2-12 ở Tokyo, ông J. Biden sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản S. Abe nhằm thúc đẩy đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại Seoul, sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và triển vọng thúc đẩy buôn bán, ông J. Biden còn có bài phát biểu về quan hệ Mỹ - Hàn Quốc và an ninh bán đảo Triều Tiên tại trường Đại học Yonsai. 

Điểm cuối cùng của chuyến công du là Bắc Kinh, nơi ông J. Biden sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Nội dung các cuộc gặp của ông Joe Biden với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, buôn bán, tiền tệ, bán đảo Triều Tiên, các điểm nóng của khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ Trung – Nhật – Hàn xung quanh “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) đã che mờ các vấn đề kinh tế. Giờ thì mọi con mắt đều đổ dồn về Bắc Kinh, xem ông J. Biden ứng xử thế nào trên bàn đàm phán. Là đồng minh thân cận của Tokyo, đồng thời có nhiều căn cứ quân sự trong vùng biển của Nhật Bản, Mỹ không thể làm ngơ trước động thái mới của Trung Quốc. Hơn ai hết Washington hiểu rằng thông điệp ngầm mà Bắc Kinh muốn phát đi từ ADIZ chính là sức mạnh đang lên của nước này, rằng Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh để bảo vệ quan điểm của mình.

Châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang chuyển trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình, trở thành vũ đài tranh chấp Mỹ - Trung. Với việc cử hai máy bay ném bom B-52 bay vào “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) mà Trung Quốc vừa mới thiết lập, tiếp đó cử một cụm tàu sân bay tới vùng biển Hoa Đông để tiến hành diễn tập liên hợp với hải quân Nhật Bản, Mỹ muốn khẳng định rằng “có Mỹ ở đây thì đừng ai làm liều”.

 Nhưng nhìn rộng hơn thì châu Á – Thái Bình Dương còn là thương trường đầy tiềm năng. Đối đầu, đe dọa sẽ chẳng đem lại lợi ích gì về kinh tế mà còn tạo cơ hội cho các đối thủ “đục nước béo cò”. Cả Washington và Bắc Kinh đều hiểu rõ điều đó. Chính vì thế mà bên cạnh việc trực tiếp nêu ra các quan ngại của Mỹ liên quan tới vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc vừa thiết lập, ông J. Biden sẽ tìm cách thuyết phục Bắc Kinh tìm biện pháp giảm thiểu những căng thẳng, hết sức kiềm chế để tránh xảy ra những tính toán sai lầm. Không phải cảnh báo Trung Quốc mà hạ nhiệt “điểm nóng” Đông Bắc Á mới là trọng trách chính của ông J. Biden.