Chuyện chỉ có ở Việt Nam

ANTĐ - Đó  là chuyên đứng bét bảng, Kiên Giang vẫn không bị xuống hạng. Số là sau khi thống nhất ý kiến trong BCH, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đồng ý với phương án V.League 2013 - giải đấu danh giá nhất Việt Nam sẽ  không có đội xuống hạng do BTC V.League 2013 đề xuất. Điều này cũng có nghĩa, Kiên Giang sẽ thoát hiểm, không phải xuống hạng Nhất mùa tới. 

Đây là phương án nhằm đảm bảo đủ số đội chẵn ở mùa giải 2014 sau khi XTSG bỏ giải. Cùng với ba CLB thăng hạng của giải hạng Nhất 2013 (QNK Quảng Nam, Hùng Vương An Giang và Than Quảng Ninh), V.League 2014 sẽ có 14 đội tranh tài.

Như vậy, Kiên Giang dù đứng đội sổ V.League, nhưng đã chính thức thoát hiểm, không phải lo lắng việc chiến đấu trụ hạng. Đây cũng sẽ là lần thứ 5 trong lịch sử V-League, một đội bóng đứng đội sổ trên BXH chung cuộc mà lại không phải xuống hạng.

Và dù VFF cũng yêu cầu 11 đội bóng còn lại đá trung thực, quyết tâm cao trong 2 vòng đấu còn lại để phản ánh đúng thực lực chất lượng xếp hạng của toàn giải thì giờ chỉ còn là cuộc đua tranh chức vô địch giữa 2 đội bóng của bầu Hiển (T&T HN, SHB Đà Nẵng) và Hoàng Anh Gia Lai.

Thực tế thì V-League luôn xác lập những kỷ lục hiếm có. Không chỉ là chuyện bạo lực sân cỏ, trọng tài, CĐV quậy phá, dàn xếp tỷ số, quan chức phát ngôn bất nhất, lúc thế này lúc thế khác,  Liên đoàn quốc gia không cấm nổi CLB thay tên đổi họ theo ý nhà tài trợ, rồi có cả chuyện một đội bóng mang tên ngân hàng (Kienlong Bank.Kiên Giang) phải đi vay “nóng” để cho đội có tiền di chuyển thi đấu các vòng đấu cuối. Giám đốc điều hành CLB này thổ lộ rằng tài khoản của CLB đã hết sạch, nên để đội bóng thi đấu mấy trận cuối mùa giải sẽ đứng ra vay để xoay sở, rồi tính sau. “Trong trường hợp xấu nhất, CLB không thể thanh toán thì có thể tôi phải cầm cố nhà cửa để xử lý” - người quản lý CLB cho hay. Việc một CLB dự giải V-League thiếu trước hụt sau, nợ lương, thưởng và những khoản vặt vãnh khác như vậy thì cầu thủ không còn động lực thi đấu cũng là điều quá đương nhiên.

Giải V-League bỗng dưng tan hoang khi chỉ còn đúng hai vòng đấu cuối cùng. Việc Sài Gòn Xuân Thành nghỉ chơi bóng đá, suy cho cùng cũng bình thường như việc một doanh nghiệp làm ăn thất bại, đóng cửa để cắt lỗ... nhưng, nếu một doanh nghiệp đóng cửa như một cách để phản ứng lại những người điều hành lại là câu chuyện chỉ có ở  bóng đá Việt Nam. Câu hỏi vẫn cần được trả lời là, tại sao trừ điểm Sài Gòn Xuân Thành mà không trừ điểm Kiên Giang, hay các trường hợp nghi vấn thi đấu thiếu tích cực khác như Đồng Nai, Đà Nẵng mà chỉ trừ điểm một mình Sài Gòn Xuân Thành. 

Từ khi hình thành, V-League dù đã gắn mác chuyên nghiệp và được tổ chức bài bản hơn nhưng nhìn chung vẫn cứ là nghiệp dư 100%. Vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, nhà tài trợ thao túng đội bóng, nhưng ông bầu nhiều tiền chơi ngông theo sở thích, nghi án bán độ, đấu đá nội bộ, bên cạnh không ít quan chức liên đoàn làm bóng đá trước hết vì chiếc ghế của mình, nội bộ của đơn vị tổ chức V-League đang “kênh máy” với nhau..., tất cả vẫn thấy ở từng vòng đấu như thách thức những người làm bóng đá tâm huyết và người hâm mộ.  Việc hăm he rút lui khỏi giải (kể cả đội K.Kiên Giang dọa bỏ giải trước khi được “cứu”) đã như một thứ dịch bệnh của V-League. Chỉ cần đụng chạm quyền lợi, chỉ cần thiệt thòi là sẵn sàng tuyên bố sẽ rời cuộc chơi. Chuyện lạ chỉ có ở bóng đá Việt Nam, nhưng thực chất lại dễ hiểu khi cứ nhìn vào cách làm, quản lý bóng đá từ CLB đến cấp thượng tầng đều rất nghiệp dư, cho dù giải đấu đã gắn mác chuyên nghiệp từ 10 năm nay.

Do tổ chức, điều hành không tốt, nên nay có chuyện kiện cáo mai có “đơn xin” bỏ giải. Để rồi sau đó cách xử lý, giải quyết lại theo kiểu “đẽo cày giữa đường” dựa vào dư luận để phán xử đến mức quyết định xử lý của Ban kỷ luật VFF đối  với XMXT Sài Gòn được coi là quyết liệt chống tiêu cực rất đáng hoan nghênh, nhưng có vẻ như phương thức thực hiện lại không hợp lý, lại có tác dụng ngược bởi nó dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác. 

Bóng đá Việt Nam đang xuống cấp, những thời điểm lập nên những kỷ lục không đáng có này chắc chắc sẽ là những chuyện đáng xấu hổ!