Chung tay ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan

ANTD.VN - Chủ nghĩa cực đoan đã trở thành một hiểm họa lớn đe dọa an ninh và ổn định của các quốc gia khu vực Đông Nam Á, khiến các quốc gia khu vực phải đồng lòng, quyết tâm hợp tác để ngăn chặn.

Chung tay ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan ảnh 1Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (trái), Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman (giữa) và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (phải) thảo luận cách ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan

Khi tới Thủ đô Manila, Philippines để tham dự Hội nghị ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cùng Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano và người đồng cấp Malaysia Anifah Aman trong ngày 12-11, đã nhóm họp để thảo luận cách ngăn chặn sự trở lại của các phần tử Hồi giáo cực đoan đã tấn công thành phố Marawi thuộc miền Nam Philippines vào tháng 5 năm nay.

Trước đó, bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra ở thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, các Ngoại trưởng Indonesia, Malaysia và Philippines cũng đã nhất trí thông qua một kế hoạch hành động chung tại một cuộc họp diễn ra tại Indonesia vào tháng 1 tới nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan.

Việc Ngoại trưởng 3 thành viên ASEAN liên tiếp họp bàn về việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan cho thấy đây thực sự đã trở thành một thách thức an ninh nghiêm trọng đối với các quốc gia khu vực. Hiểm họa chủ nghĩa cực đoan đã được cảnh báo tại khu vực Đông Nam Á kể từ sau sự kiện khủng bố chấn động tại nước Mỹ ngày 11-9-2001 khi mối đe dọa lớn với an ninh quốc gia cũng như cuộc sống bình yên của người dân này lây lan và phát triển khắp nơi trên thế giới, đặc biệt kể từ khi các phần tử cực đoan trung thành với Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đánh chiếm thành phố Marawi ở Philippines.

Hình ảnh lá cờ đen tương tự như cờ IS xuất hiện tại Marawi đã lập tức gây ra một cú sốc lớn với không chỉ Philippines mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Đây có thể nói là lần đâu tiên hình dạng lá cờ từng gieo rắc kinh hoàng cho nhiều khu vực rộng lớn ở Trung Đông và Nam Á xuất hiện tại Đông Nam Á, nhất là ở quốc gia có những phần tử Hồi giáo cực đoan vũ trang Abu Sayyaf như Philippines.

Những gì đã diễn ra ở Syria, Iraq… khiến Philippines và các nước Đông Nam Á không thể không quan ngại trước việc nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan có quan hệ với IS chiếm giữ thành phố Marawi. Nỗi lo này càng thêm sâu sắc khi lực lượng vũ trang Philippines với quân số áp đảo, được sự yểm trợ của xe bọc thép, máy bay lên thẳng vũ trang… phải mất tới gần 5 tháng mới giành lại quyền kiểm soát thành phố Marawi từ tay các kẻ khủng bố trong nước và nước ngoài.

Hiểm họa chủ nghĩa cực đoan tại Philippines cũng như Đông Nam Á không chỉ còn là cảnh báo mà thực sự đã hiện hữu khi những là cờ đen kinh hoàng xuất hiện tại Marawi. Các quốc gia khu vực, trong đó những nước có nhiều người theo đạo Hồi như Indonesia, Malaysia…, cần phải hành động khẩn trương và quyết liệt trước khi chủ nghĩa khủng bố, cực đoan “mọc mầm” và phát triển, quyết không để xảy ra một “Marawi thứ 2”.

Cùng với các biện pháp mạnh tay hiện tại của các lực lượng an ninh, các quốc gia Đông Nam Á rất chú trọng hành động để giải quyết gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan, trong đó có nghèo đói, buôn bán ma túy, tội phạm và bất công xã hội. Bên cạnh đó là ngăn chặn dòng tài trợ khủng bố, tăng cường chia sẻ tình báo, và ngăn chặn sự lan truyền của các nội dung trực tuyến có liên quan đến khủng bố. 

Trong các cuộc gặp bên lề APEC và ASEAN, Ngoại trưởng 3 nước Indonesia, Philippines và Malaysia cũng đã nhất trí áp dụng chương trình giảng dạy tôn giáo của Indonesia đối với các trường học dành cho người Hồi giáo ở Marawi. Đây được xem là một biện pháp hữu hiệu nhằm chống chủ nghĩa cực đoan trên mặt tư tưởng.