Chung tay “giải cứu” đại dương

ANTĐ - Các đại dương đóng vai trò vô cùng quan trọng với nhân loại cũng như sự sống trên Trái đất, song đang phải đối mặt với những hiểm họa khôn lường do chính con người gây ra.

Các thành viên tổ chức Hòa bình Xanh lặn xuống đáy biển giương biểu ngữ
kêu gọi bảo vệ các đại dương

Phát biểu khai mạc Hội nghị “Đại dương của chúng ta” tại Thủ đô Washington ngày 16-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo về tình trạng nguy hiểm mà các đại dương trên thế giới đang phải đối mặt. Tại hội nghị có sự hiện diện của 400 đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các nguyên thủ quốc gia, ngoại trưởng và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, ông Kerry đã kêu gọi một chiến lược toàn cầu, toàn diện nhằm bảo vệ các đại dương.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dương đang bị đe dọa bởi nhiều hiểm họa. Các đại dương chiếm tới 3/4 diện tích Trái đất, là nơi cung cấp nguồn sống cho 12% dân số thế giới, đồng thời là tác nhân quan trọng trong việc bảo đảm môi trường sống của con người.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), hiện 17% nguồn cung cấp protein động vật của thế giới đến từ cá và nhu cầu về protein này sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Có vai trò ngày càng thiết yếu với cuộc sống con người, song các đại dương lại đang phải đối mặt với những mối nguy hiểm do chính con người gây ra.

Các đại dương chiếm 70% bề mặt Trái đất nhưng hiện nay mới chỉ có 1% diện tích các đại dương được bảo vệ, 60% hệ sinh thái biển quan trọng của thế giới đã bị suy thoái hoặc đang bị khai thác không bền vững, gây tổn thất khổng lồ về kinh tế xã hội. Trong 50 năm qua, 30-50% diện tích rừng đước, 20% các rặng san hô của thế giới đã bị mất, dễ gây tổn thương cho các khu vực dân cư ven biển. 

Ngoài ra, các đại dương hấp thụ 26% lượng khí thải Carbon dioxide (CO2) khiến quá trình acid hóa trong đại dương bị đẩy nhanh, đe dọa các loài sinh vật phù du dẫn tới đe dọa toàn bộ dây chuyền thực phẩm biển và các hoạt động kinh tế xã hội gắn với biển và đại dương. Các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đã gắn sự tuyệt chủng ồ ạt của nhiều loài sinh vật biển với hiện trạng acid hóa trong nước biển, đồng thời cảnh báo nhiều loài quan trọng đối với con người cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng nếu khí thải CO2 tiếp tục thải vào khí quyển với tốc độ như hiện nay.

Tại Hội nghị “Đại dương của chúng ta”, Ngoại trưởng Kerry cho biết 1/3 nguồn cá thế giới đang bị khai thác quá mức và ô nhiễm biển đã làm xuất hiện 500 vùng “biển chết” trên đại dương, nơi mà các sinh vật biển không thể tồn tại do đó là những khu vực không có đủ khí ôxy cho các sinh vật biển sinh sống. Ông Kerry cảnh báo tình trạng này diễn ra trong đe dọa sự tồn vong của các loài sinh vật biển, dẫn đến nguy cơ phá hủy toàn bộ hệ sinh thái trên Trái đất. 

Do vậy, những người tham dự Hội nghị cùng nhấn mạnh, bảo vệ đại dương là một vấn đề an ninh quốc tế sống còn và không phải là công việc của một quốc gia, mà đòi hỏi sự phối hợp của toàn thế giới với một chiến dịch toàn cầu. Ngoại trưởng Mỹ đã đề xuất một chương trình làm sạch đại dương, trong đó có việc dọn dẹp rác thải nhựa đang trôi nổi trên biển, tăng cường sự hiểu biết của người dân về hậu quả của thay đổi khí hậu đối với tình trạng acid hóa đại dương.