Chứng khoán đang bừng tỉnh

ANTĐ - Ngay trong ngày đầu tiên thêm phiên buổi chiều (5-3), giới đầu tư chứng khoán đã chứng kiến một phiên giao dịch đầy hứng khởi. Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường, dư mua giá trần lấn át, ngay từ những phút đầu tiên của phiên giao dịch sáng qua cho thấy sự hưng phấn của các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư lại hào hứng đặt lệnh khi thị trường có những chuyển biến tốt

Ồ ạt đổ tiền vào chứng khoán

Trong khoảng hơn chục phiên giao dịch gần đây, thị trường đón nhận sự trở lại của dòng tiền ngày càng mạnh mẽ. Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày lên tới gần 2.000 tỷ đồng, có phiên giao dịch đột biến giá trị đạt tới gần 2.900 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, dòng tiền bắt nguồn từ nhiều nguồn nhưng xuất phát là từ các nhà đầu tư lớn. Những nhà đầu tư này bắt đầu mua từ trước khi thị trường sôi động với khối lượng lớn. Khi có tín hiệu mới, thị trường được kích hoạt các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu tham gia vào thị trường, một phần tiền ở các kênh đầu tư khác không hấp dẫn được đưa vào chứng khoán.

Trong ngày đầu tiên thị trường có thêm giao dịch vào buổi chiều, đã chứng kiến một phiên tăng điểm ngoạn mục của cả 2 sàn. Cổ phiếu lớn, nhỏ đua nhau tăng tốc và ồ ạt tăng trần. Thị trường gần như không còn người bán, chỉ thấy bên mua. Bước sang buổi chiều, không khí giao dịch vẫn chưa hề nguội đi, đóng cửa, Vn-Index tăng mạnh 17,61 điểm lên 457,21 điểm. Tính cả phiên giao dịch buổi chiều, sàn HOSE đã khớp lệnh thành công hơn 103 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 1.981 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index hứng khởi tăng mạnh 4,06 điểm (tương đương 5,66%) vượt mốc 75 lên 75,78 điểm. Thanh khoản chững lại bởi nguồn cung cạn kiệt. Kết thúc ngày giao dịch, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường sụt giảm mạnh so với các phiên liền trước, chỉ đạt hơn 40 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 479 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Huy Hoàng - một nhà đầu tư hào hứng: “Đã lâu rồi mới thấy một phiên giao dịch mà bên mua áp đảo với mức giá trần. Bảng điện tử ngập trong sắc tím. Những người cầm cố không ai muốn bán ra, tuy nhiên chính trong lúc này nhà đầu tư lại càng cần đến sự tỉnh táo”.

Ông Hoàng Anh Tuấn - chuyên viên phân tích Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng BIDV nhận định, nếu nhìn xu hướng tương đối dài một chút thì năm nay cũng ổn và có nhiều cơ hội. Còn trong ngắn hạn việc tăng mạnh và đột biến quá thì trong vài phiên tới vẫn có những nhịp chững, còn chững như thế nào và bao lâu thì chưa thể đánh giá được. Những phiên trước giao dịch rất sôi động, có người bán người mua, nhưng phiên ngày hôm qua khối lượng đã giảm bớt. Sau phiên giao dịch với khối lượng tăng đột biến thì hôm qua là ngày T+4 về, trong khi đó khối lượng giao dịch giảm đi chứng tỏ lượng hàng vẫn đang chờ đợi giá tốt hơn để bán ra. Khi có hiện tượng nén cung thì trong một vài phiên sẽ có nhịp chững. Còn về dài hạn, năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi hơn nên đà tăng cũng có thể kéo dài.

Theo các chuyên gia, lạm phát sẽ duy trì đều chứ không có đột biến như những năm trước. Lạm phát sẽ ở mức 1 con số hoặc nếu khó khăn thì cũng chỉ trên 10%. Đây là cơ sở để lãi suất có thể giảm, nếu xu hướng của lạm phát giảm rõ hơn thì hết quý I lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm dần dần. Thông thường, lãi suất giảm thì chứng khoán cũng có môi trường thuận lợi để tăng điểm.

Cùng với đó, các chính sách của NHNN cũng củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài. Giữ ổn định tỷ giá, thị trường vàng cũng giảm dần chênh lệch với thị trường nước ngoài. Nhìn chung các công đầu tư trong năm nay thì khá ổn định, tốt nhất trong ngắn hạn thì chứng khoán đang ở mặt bằng giá thấp nên được xem là cơ hội.

Cổ phiếu ngân hàng bứt phá

Trong sóng tăng của thị trường, không thể không nói tới vai trò dẫn dắt của các cố phiếu ngành ngân hàng. Sức bật của cổ phiếu ngân hàng được xem là “điểm nóng” trong thời gian gần đây. Điều này được thể hiện qua khối lượng giao dịch của các mã như HBB, EIB, STB, MBB lên tới hàng chục triệu đơn vị trong nhiều phiên liên tiếp.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Có thể nói cổ phiếu ngân hàng rất đặc biệt, 3 năm rồi mới có một nhịp sóng tăng mạnh thế này. Đằng sau nó có nhiều câu chuyện lớn cũng không thể đánh giá hết được. Ngoài chuyện các ngân hàng định mua bán sáp nhập thì hôm nay Thủ tướng có quyết định về xây dựng đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong đó có một ý là các ngân hàng yếu kém sẽ phải cơ cấu lại”.

“Trong đó có thể nguồn tiền của ngân hàng nhà nước mua lại hoặc cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua sở hữu với tỷ lệ cao hơn bình thường. Hiện tại room ngân hàng cho nước ngoài là 30%, với các ngân hàng yếu kém nếu tổ chức trong nước không mua sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào mua với tỷ lệ cao hơn hiện tại. Gần như là mở room của hệ thống ngân hàng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Lộ trình đầu tiên là mở room cho các ngân hàng yếu kém. Đây là tin quan trọng giải thích cho toàn bộ sóng tăng vừa rồi”, ông Tuấn lý giải.

Đối với vấn đề thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp khi giá cổ phiếu đang ở mức thấp, ông Tuấn cho rằng, giá cổ phiếu rẻ thì là rẻ chung cho cả thị trường. Trên thị trường trong giai đoạn khó khăn mới xuất hiện các doanh nghiệp không có đủ khả năng giữ được tài sản mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nhòm ngó mua thâu tóm. Từ cuối năm ngoái đã có nhận định năm nay là cơ hội để cho các doanh nghiệp có tiềm năng bắt đầu mua lại tài sản của các doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn. Một phần trong đó cũng bắt đầu tác động ngược lại thị trường, là để mua được tài sản một số người biết thông tin chắc chắn có thể tham gia mua trước và đẩy giá lên, khi đó việc mua bán giữa bên bán cũng đỡ lỗ hơn còn bên mua phải qua các bước trung gian cũng phải chấp nhận một mức giá cao hơn.