Chuẩn bị ra mắt VPF: Chờ sinh khí mới

ANTĐ - Sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chẳng khác nào chiếc phao cứu sinh cho bóng đá Việt Nam trong thời điểm này. Hôm qua 29-11, VFF đã họp với 14 CLB
V-League và 10 CLB hạng Nhất để hướng tới sự đồng thuận về một số điều khoản hoạt động cơ bản, trước khi đại hội cổ đông diễn ra.
Người ta đang chờ xem ông Lê Hùng Dũng (phải)
sẽ thể hiện cái TÂM của mình như thế nào

Hai vấn đề được quan tâm nhất lúc này quanh việc VPF ra đời, là dự thảo sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012, và vấn đề nhân sự trong bộ máy lãnh đạo của Công ty này. Về vấn đề thứ nhất, từ thất bại ở SEA Games 26, VPF quyết tâm biến V-League và hạng Nhất từ mùa giải tới trở thành sân chơi gần gũi hơn với các cầu thủ trẻ.

Cụ thể, theo Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn, trong danh sách đăng ký đội 1 của các CLB, phải có tối thiểu 5 cầu thủ trong độ tuổi từ 21 trở xuống. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế tối đa các cầu thủ ngoại, để “nhường đất” nhiều hơn cho cầu thủ nội trẻ thử tài. Một điểm mới nữa, là VPF muốn những tài năng Việt kiều về thi đấu nhiều hơn ở trong nước, tất cả các cầu thủ có bố hoặc mẹ là người Việt Nam dù không mang quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng được khả năng chuyên môn và đạo đức, sẽ được vào sân thi đấu với tư cách là cầu thủ nội. “Điều này sẽ kích thích được những tài năng mang dòng máu Việt Nam về thi đấu cho quê hương nhiều hơn. Đây là nguồn cầu thủ không thể bỏ qua”, ông Viễn nói.

Trong khi đó, về bộ máy lãnh đạo của VPF, hiện tại VFF và đại diện của 24 CLB V-League và hạng Nhất đã đồng ý chia “miếng bánh” theo tỉ lệ: VFF nắm giữ 35,4% cổ phần còn phía các CLB giữ 64,6%. Tương ứng với tỉ lệ này, Hội đồng quản trị của VPF có 9 ghế thì VFF sẽ nắm 4 ghế. Điều đó đồng nghĩa với việc VFF sẽ nắm giữ những chiếc ghế chủ chốt, mà cụ thể là Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng giữ ghế Chủ tịch HĐQT, còn Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn sẽ giữ chức GĐĐH kiêm Trưởng BTC giải. Hiện tại, chỉ còn chờ Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép, là VPF sẽ chính thức tiến hành đại hội cổ đông và đi vào hoạt động ngay sau đó.

Người hâm mộ đang rất mong chờ sự ra đời của VPF, vì đây chẳng khác nào một cuộc cách mạng mang đến luồng sinh khi mới cho bóng đá nước nhà. Các CLB sẽ có tiếng nói hơn so với trước kia, khi mà VFF thường xuyên thể hiện sự chuyên quyền, muốn làm gì thì làm, muốn xử thế nào thì xử, và muốn cho bao nhiêu đội bóng lên/xuống hạng là tùy thích. Bên cạnh đó, nếu làm ăn không ra gì, HĐQT có quyền thay thế mọi mắt xích yếu kém trong quá trình hoạt động của mình.