Chưa có nhiều "cơ hội vàng" cho người kinh doanh "lướt sóng"

ANTĐ - LTS: Các diễn biến gần đây trên thị trường chứng khoán Trung Quốc; thị trường vàng trong nước và thế giới; biến động tỷ giá đồng EURO, USD… đang thu hút sự chú ý của người dân và giới đầu tư. Báo An ninh Thủ đô trân trọng giới thiệu loạt bài của TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế phân tích, dự báo về những xu hướng của các thị trường này trong những tháng cuối năm để bạn đọc có thể rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu trong đầu tư.

Chưa có nhiều "cơ hội vàng" cho người kinh doanh "lướt sóng" ảnh 1Các chuyên gia nhận định, vàng vẫn là công cụ tích trữ đảm bảo an toàn tài chính dài hạn 
đáng lựa chọn của nhiều người. Ảnh: Phú Khánh

Trong vòng 12 tháng qua, giá vàng quốc tế đã giảm 12%, trong khi tỷ giá đồng USD tăng 18%. Mỗi khi đồng USD lên giá, vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư bằng ngoại tệ khác. Điều đó là giảm nhu cầu và là nhân tố hàng đầu làm giảm giá vàng. Nói cách khác, giá vàng sẽ giảm do kỳ vọng tăng giá và lãi suất USD.

Khó có xu hướng tăng đột biến

Chỉ trong nửa đầu tuần qua, vàng đã mất 750.000 đồng/lượng; “bay hơi” 2,5 triệu đồng/lượng so với đầu năm và thấp hơn 3,53 triệu đồng/lượng so với 1 năm trước. Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới đã rút ngắn còn 3,05 triệu đồng/lượng. Vàng giảm giá và ổn định cao, khiến xu hướng bán vàng ra hoặc đem vàng đi cầm tăng khá mạnh, với mức cho vay tới  70 - 80%, thậm chí 90% giá trị vàng thế chấp. 

Giá vàng khó có xu hướng tăng đột biến trong nửa cuối năm 2015 trước hết do xu hướng sự ổn định và lên giá của đồng đô la Mỹ, cũng như chưa có dấu hiệu tăng lãi suất đồng tiền này, gắn với những thông tin tăng trưởng tích cực nền kinh tế Mỹ. Sự đi ngang của giá dầu trong nửa cuối năm 2015 đồng nghĩa chi phí kinh doanh khó tăng mạnh, giúp các nền kinh tế nhập khẩu dầu duy trì cơ hội tăng trưởng. Lạm phát thấp, lãi suất giảm và giá dầu mỏ đi ngang khiến lợi nhuận nhiều trái phiếu và cổ phiếu tăng lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ kết thúc chương trình nới lỏng định lượng sẽ khó làm tăng dòng vốn chảy vào thị trường vàng, khiến giá vàng dù không giảm sâu tiếp, nhưng cũng khó đột biến tăng.

Bên cạnh đó, cũng còn tồn tại nhiều nhân tố ảnh hưởng tới giá vàng, như bất ổn tại Đông Âu, Trung Đông và những quan ngại về tăng trưởng chậm lại, nhất là những chấn động trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc. Khi đã thấm đòn xuống giá cổ phiếu tới gần 30% và làm bốc hơi khoảng 300 tỷ USD chỉ trong khoảng 1 tháng giữa năm 2015, chắc chắn nhiều nhà đầu tư và người dân Trung Quốc sẽ lại tiếp tục quay về thị trường vàng truyền thống. Sự cộng hưởng nhu cầu của hai quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc này sẽ làm tăng tổng cầu, do đó, làm tăng giá vàng trên thế giới một cách đáng kể.

Hơn nữa, giá dầu thấp (và sẽ còn thấp hơn do sự tham gia trở lại của Iran với tư cách nguồn cung lớn nhờ đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử) khiến vàng giảm giá và kích thích nhu cầu mua trữ vàng. Đến lượt mình, khi đủ lớn, việc mua trữ vàng này sẽ làm tăng giá vàng thế giới.

Nhìn chung, giá vàng thế giới năm 2015 và triển vọng trong trung hạn, sẽ có dải biến động rất rộng, từ 950-1.238 USD/ounce (trung bình khoảng 1.200 USD/so với mức đỉnh 1.900 USD/ ounce trước đây. Các nhân tố địa chính trị sẽ có tác động bất ngờ nhất đối với giá vàng thế giới thời gian tới.

Nhà đầu tư khó phản ứng kịp thời

Thị trường vàng trong nước năm 2015 tuy biến động chậm hơn so với giá vàng quốc tế, nhưng cơ bản phản ánh và chịu những tác động cộng hưởng những nhân tố và các động thái trên đây của thị trường vàng thế giới. Đồng thời, thị trường vàng còn đang chịu sự quản lý khá ngặt nghèo của nhà nước, thiếu sự đa dạng các kênh, công cụ kinh doanh và thiếu cả sự liên thông trực tiếp giữa thị trường vàng trong nước với thế giới. Sự độc quyền nhập khẩu vàng và gia tăng kiểm soát chống đầu cơ và các hoạt động buôn bán trái phép vàng, ngoại hối này khiến chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới thường xuyên ở mức 3-4 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh chênh lệch giá vàng nội - ngoại cao và khan hiếm nguồn cung đó, các hoạt động kinh doanh vàng “lướt sóng” trở nên rủi ro cao, các nhà đầu tư khó phản ứng kịp thời với giá thị trường thế giới bởi không thể chủ động nguồn cung vàng và chịu sự điều tiết giá cả từ NHNN.

Hơn nữa, động lực kinh doanh vàng không mạnh còn do kinh tế vĩ mô đầu năm của Việt Nam khá tích cực, tạo lòng tin vào giá trị tiền đồng và triển vọng kinh tế,  với chỉ số GDP 6 tháng tăng cao nhất trong 5 năm qua, lạm phát thấp và tỷ giá khá ổn định; đồng thời, thu nhập của người dân và doanh nghiệp ít đột biến, trong khi lãi suất khá mềm dẻo, có lợi cho người gửi tiền tiết kiệm hơn là giữ vàng. Việc kết thúc trạng thái tín dụng-vàng của các ngân hàng thương mại trước đây đã làm suy giảm mạnh tổng cầu thực về vàng vật chất trên thị trường. Ngay cả tổng cầu ảo về vàng cũng đã giảm thiểu do các cơ quan chức năng tăng cường trấn áp các sàn vàng ảo kinh doanh bất hợp pháp trong thời gian gần đây. Tất cả khiến giao dịch vàng trở nên hiu hắt, khối lượng giao dịch của một số công ty kinh doanh vàng lớn giảm hàng chục lần…

Về triển vọng, chưa có nhiều “cơ hội vàng” cho ai đó ưa kinh doanh “lướt sóng” và đầu cơ vàng, nhưng vàng vẫn là công cụ tích trữ bảo đảm an toàn tài chính dài hạn đáng lựa chọn của nhiều người.