Chủ nghĩa đa phương giải quyết những thách chung toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thế giới đang đứng trước nhiều thách thức chung từ các vấn đề an ninh truyền thống như xung đột vũ trang cho tới vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu… cho tới lạm phát, giá năng lượng tăng cao và đói nghèo, bất bình đẳng dẫn tới chia rẽ, mất lòng tin mà đơn lẻ một quốc gia hay nhóm quốc gia đều khó có thể giải quyết mà cần nỗ lực chung của các quốc gia, cộng đồng quốc tế.

Nhiều thách thức “bủa vây” thế giới

Phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 13-9 tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các thành viên của tổ chức lớn nhất hành tinh này đoàn kết để vượt qua những thách thức chung. Người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ, vẫn còn đó những thách thức đã được nêu ra trong Đại hội đồng khóa 76, từ xung đột và biến đổi khí hậu cho đến hệ thống tài chính toàn cầu bị gián đoạn ảnh hưởng tới các nền kinh tế đang phát triển, từ đói nghèo, bất bình đẳng đến sự chia rẽ và mất lòng tin lẫn nhau.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định cần củng cố chủ nghĩa đa phương và hành động tập thể để giải quyết thách thức chung toàn cầu

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định cần củng cố chủ nghĩa đa phương và hành động tập thể để giải quyết thách thức chung toàn cầu

Trước đó một ngày, tại lễ bế mạc của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng đã nhấn mạnh về vấn đề này khi cho rằng Đại hội đồng khóa 77 sẽ tiếp tục chứng kiến những thách thức chưa từng có đối với chủ nghĩa đa phương và đây sẽ là phép thử sự đoàn kết và lòng tin của các nước với nhau. Theo ông, các cuộc xung đột trên thế giới đang đẩy hàng triệu người phải sống trong nghèo đói, khổ đau và tình trạng bất bình đẳng vẫn đang ảnh hưởng tới sự hồi phục và phát triển của nhiều nước trên thế giới, chưa kể đến tình trạng biến đổi khí hậu cũng đang khiến thế giới thực sự ở vào trạng thái đáng lo ngại.

Một năm qua, các hoạt động của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn khác, bao gồm giá cả leo thang, sức mua giảm sút, nguy cơ mất an ninh lương thực ngày càng tăng và hiểm họa suy thoái toàn cầu cũng ngày càng lớn hơn. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 chưa kết thúc thì bệnh đậu mùa khỉ đã bùng phát và cùng với đó là các thảm họa do thiên nhiên gây ra như nắng nóng và bão, lũ…

Đúng là vào thời điểm mà thế giới đã bước sang thế kỷ XXI được hơn 20 năm, song những thách thức về an ninh, kinh tế, môi trường, đói nghèo… không những không giảm bớt mà tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí có những thách thức còn trầm trọng hơn. Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine không chỉ cuốn hai quốc gia này vào vòng xoáy chiến sự khốc liệt khiến hàng chục nghìn người thương vong, hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề… mà còn sinh ra một “điểm nóng” ngay trong lòng châu Âu, thổi bùng lên cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực cùng cuộc chiến trừng phạt gây ra sự chia rẽ, rạn nứt trên toàn cầu.

Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và phương Tây với Nga đã làm chấn động cả thế giới, đẩy giá năng lượng, phân bón và lương thực tăng vọt khiến hàng trăm triệu người lâm vào nạn đói ở châu Phi và Trung Đông, cũng như góp phần khiến nhiều quốc gia rơi vào bất ổn kinh tế và xã hội. Vòng xoáy nhiều tầng của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine là tác nhân quan trọng bậc nhất khiến tỷ lệ lạm phát tăng đột biến tại nhiều quốc gia, dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng khác.

Tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine càng thêm nặng nề khi mà thế giới còn chưa gượng dậy sau 2 năm bị “cơn bão” đại dịch Covid-19 hoành hành. Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn được “khơi thông” do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lại tiếp tục bị tác động, gián đoạn bởi cuộc “điểm nóng” xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, cùng với đó là cuộc chiến trừng phạt kinh tế không ngừng leo thang từ hai phía với sự tham gia của nhiều quốc gia là những nền kinh tế lớn trên thế giới.

Giải pháp toàn cầu cho những thách thức chung

Nhìn vào những thách thức chung toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt, rõ ràng một quốc gia hay nhóm quốc gia dù hùng mạnh đến đâu cũng khó có thể giải quyết. Nếu không muốn nói là những nỗ lực đơn phương mà đi liền với đó là lợi ích đơn phương có thể còn khiến cho những thách chung toàn cầu trở lên trầm trọng hơn.

Thế nên, tại lễ khai mạc khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi các thành viên của tổ chức lớn nhất hành tinh với 193 thành viên này cùng đoàn kết để vượt qua những thách thức chung toàn cầu. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 Csaba Korosi cũng khẳng định, cách duy nhất để đạt được những thành tích tốt hơn là phải thay đổi thông qua các giải pháp đoàn kết, bền vững và khoa học.

Thách thức chung toàn cầu đòi hỏi phải có nỗ lực chung của các quốc gia trên thế giới để cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng góp phần giải quyết. Những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu cho dù các quốc gia trên thế giới hiện nay không dễ để “ngồi cùng nhau”, song không có cách thức nào khác để có thể giải quyết thách chung.

Cho dù tình hình phức tạp trên thế giới hiện nay làm cho không ít người suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa đa phương và khả năng ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, nhưng chắc chắn tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có chủ nghĩa đa phương. Chủ nghĩa đa phương là cơ chế duy nhất mà tất cả các quốc gia, bất kể quy mô và mức độ giàu nghèo, đều bình đẳng và được đối xử bình đẳng và tôn trọng để cùng nỗ lực giải quyết thách thức chung toàn cầu.

Phát huy vai trò tích cực của chủ nghĩa đa phương, các quốc gia trên thế giới đều cần nỗ lực để củng cố lòng tin chiến lược, sự tôn trọng lẫn nhau, cũng như duy trì tất cả các nền tảng và nguyên tắc sáng lập Liên hợp quốc. Trên cơ sở đó, mọi bất đồng, tranh chấp và xung đột phải được giải quyết bằng con đường thương lượng, đàm phán.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhấn mạnh, chủ nghĩa đa phương đã mang lại nhiều thành tựu trong thời gian qua như Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc… Theo ông, thế giới hiện đang đứng trước những thách thức chưa từng có, do đó cần củng cố chủ nghĩa đa phương và các hành động tập thể; tăng cường cam kết tuân thủ luật pháp và Hiến chương Liên hợp quốc; sử dụng hiệu quả hơn các cơ chế trung gian hòa giải để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Tại phiên khai mạc khóa họp 77 của Đại hội đồng, người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ, con đường trước mắt của thế giới sẽ có nhiều thách thức và khó đoán định, song với những sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến ngoại giao, đàm phán và thỏa hiệp, các nước sẽ cùng nhau tiếp tục hỗ trợ cho những người dân đang cần được giúp đỡ nhất trên thế giới; cùng tiến tới một tương lai hòa bình và tốt đẹp hơn. Ông khẳng định Liên hợp quốc và hệ thống đa phương hiện vẫn là niềm hy vọng tốt đẹp nhất đối với loài người trên toàn hành tinh.