Chữ “chuyên” ai bán mà mua?

(ANTĐ) - Cuối cùng thì V-League 2007 cũng đã khép lại. Ngoài việc Bình Dương đã vô địch một cách tuyệt đối, thì việc một số đội bóng còn lại dính vào những “phi vụ” mua-bán, những cái bắt tay mờ ám nhường điểm cho nhau vẫn cứ tồn tại như một điều hiển nhiên tại giải đấu này.

Chữ “chuyên” ai bán mà mua?

(ANTĐ) - Cuối cùng thì V-League 2007 cũng đã khép lại. Ngoài việc Bình Dương đã vô địch một cách tuyệt đối, thì việc một số đội bóng còn lại dính vào những “phi vụ” mua-bán, những cái bắt tay mờ ám nhường điểm cho nhau vẫn cứ tồn tại như một điều hiển nhiên tại giải đấu này.

Đáng tiếc, người ta nói về nó như một thực tế, nhưng lại bất lực trong việc tìm kiếm bằng chứng để quy kết cái gọi là tình nghĩa trong bóng đá đó. Biết làm sao được khi chính ông Trưởng giải cũng mắm môi khẳng định là giải “sạch”. Nhưng nó có sạch hay không thì chính người trong cuộc  là hiểu cặn kẽ nhất.

Người ta từng nói đi nói lại về cái sự chuyên nghiệp mà bóng đá Việt Nam đang hướng tới. Nhưng chuyên nghiệp làm sao được khi mà vẫn còn những đội bóng, vẫn còn những HLV, còn các cầu thủ bước ra sân với đôi chân trĩu nặng đồng tiền. Chuyên nghiệp làm sao đôi chân thì chạy mà bên tai còn văng vẳng những cú điện thoại nhờ vả. Chuyên nghiệp làm sao trong hoàn cảnh chưa đá mà người ta đã có thể “bắt” chính xác đến khó tin kết quả của trận cầu.

Khi có những đội bóng bước ra sân với những mục đích khác ngoài chiến thắng, thì đó không còn là bóng đá nữa. Đó là một màn kịch mà các cầu thủ trên sân là những diễn viên, và quả bóng là đạo cụ chính mất rồi.

Dường như, cái mặt nạ “chuyên nghiệp” mà các nhà tổ chức cố gán vào giải đấu này lâu nay vẫn quá nhỏ bé để che phủ cả một bộ mặt tiêu cực của nó. Điều tưởng như là một nhận xét chủ quan, nhưng nó lại hoàn toàn là sự thật. Sự thật đó bắt nguồn từ việc các đội bóng cho nhau điểm, từ cách hành xử của một số trọng tài trong nhiều trận đấu, và cả từ cách nhìn nhận về giải của BTC.

Người Việt Nam ta vẫn thường bảo nhau rằng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Nhưng ở nền bóng đá này, khi người ta chỉ biết phô ra (một cách lộ liễu) những gì “thuận mắt” trên sân, còn mọi thứ tiêu cực và xấu xa đằng sau nó nhiều khi bị che đậy một cách ngượng ngịu, thì ôi thôi, bóng đá của chúng ta biết đến khi nào mới trở mình?

Phi Điệp