Chống dịch thành công, ngọn lửa tăng trưởng của Việt Nam bùng cháy trở lại

ANTD.VN - Đã 23 ngày liên tiếp, Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng. Thành công của Việt Nam được thế giới ca ngợi, còn các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào triển vọng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh những biện pháp hạn chế đang dần được tháo bỏ.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đã khôi phục hoạt động trở lại 

“Kỹ năng và sự nhanh nhạy” đã san phẳng “đường cong” Covid-19 

Đánh giá Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công của châu Á trong chống dịch Covid-19 và việc không có trường hợp tử vong nào ở một quốc gia 96 triệu dân là một kỳ tích, tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản cho rằng tốc độ mà Việt Nam san phẳng “đường cong” lây nhiễm của dịch Covid-19 đã chứng tỏ “kỹ năng và sự nhanh nhạy” của quốc gia Đông Nam Á này.

Còn theo ông Vojtěch Filip, Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện CH Czech, là quốc gia có hơn 96 triệu dân, lại có đường biên giới chung với Trung Quốc và không phải là một cường quốc công nghệ như Hàn Quốc, nhưng Việt Nam đạt được thành công mà nhiều nước phát triển chỉ có thể mơ ước. Ông Vojtěch Filip kêu gọi: “Hãy lấy cảm hứng từ Việt Nam, nơi đã đánh bại virus Corona!”.

Giải thích cho thành công của Việt Nam, bình luận trên Đài BBC News, nhà báo David Hutt, chuyên về chính trị Đông Nam Á, khẳng định, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 chứng kiến sự đoàn kết của toàn thể người dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân là mối quan tâm hàng đầu. Người dân Việt Nam rất tin tưởng vào Chính phủ và cảm thấy chính họ đang được bảo vệ. 

Là nữ y tá quân y từng rải truyền đơn bằng máy bay ở vùng vịnh San Francisco vào năm 1968 để phản đối nhà cầm quyền Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, bà Susan Schall, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì hòa bình của New York, cho rằng sức mạnh cùng với khả năng dự báo tài tình đã giúp người Việt Nam tiếp tục thành công trên mặt trận chống dịch Covid-19. Bà khẳng định các cựu binh Mỹ lại một lần nữa được chứng kiến sức mạnh và lòng quyết tâm của người Việt Nam.

Là người đã đọc nhiều về thành công trong kiểm soát dịch của Việt Nam trên các tờ báo có uy tín ở châu Âu, chuyên gia người Đức hiện làm tư vấn tài chính tại Việt Nam Manuel Wendle cho rằng trong một thời gian dài, do còn hoài nghi nên phương Tây dè dặt ca ngợi sự thành công của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh. 

Việt Nam có vị trí tốt để đón đầu cơ hội mới và phát triển kinh tế ổn định

Thành công của Việt Nam trong ứng phó đại dịch đã thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư nước ngoài. Ông Michael Sieburg, đối tác tại một công ty tư vấn đầu tư tại châu Á YCP Solidiance, cho biết: “Trong rất nhiều cuộc thảo luận của tôi, so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư hơn”. 

Ông Fred Burke, đối tác quản lý tại công ty luật quốc tế Baker McKenzie, cũng nhận định cách ứng phó hiệu quả của Việt Nam với dịch Covid-19 đã củng cố niềm tin của các doanh nghiệp hoạt động tại đây. Ông Fred Burke cho biết: “Ở thời điểm dịch bệnh bùng phát, các nhà đầu tư thường có xu hướng trở lại quê nhà ở Bắc Mỹ hay châu Âu, thậm chí Đông Bắc Á. Nhưng giờ đây khi tỷ lệ tử vong  ở các khu vực này cao, nhà đầu tư cảm thấy an toàn, thậm chí an toàn hơn, khi ở Việt Nam”. 

Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), hành động nhanh chóng và quyết đoán của Việt Nam trong việc ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là gói hỗ trợ kinh tế hiệu quả của Chính phủ, được công nhận trên thế giới như là hình mẫu cho quốc gia khác noi theo. Những hành động này duy trì niềm tin của doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam hiện đang có vị trí tốt để đón đầu cơ hội mới và tiếp tục phát triển kinh tế ổn định.

Để nền kinh tế Việt Nam sớm phục hồi phát triển theo hình chữ V, ông Funayama Tetsu, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thu hút đầu tư và tăng cường liên kết chuỗi. Ông Funayama Tetsu cho biết JBAV cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. 

Trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển/đa dạng hóa hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc đang diễn ra bởi các tập đoàn đa quốc gia nhận thấy tính cấp bách của việc này khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà phân tích cho rằng Việt Nam cần tận dụng cơ hội khi được coi là điểm đến hứa hẹn với các nhà đầu tư. Theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital, thời kỳ hậu Covid-19, các công ty FDI tiếp tục dịch chuyển sang Việt Nam nhưng lần này mạnh mẽ hơn. 

Trên thực tế, các con số thống kê cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam đã có dấu hiệu bật tăng kể từ tháng 4-2020. Với các nhà đầu tư Mỹ, làn sóng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam đã bắt đầu từ năm ngoái do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, xu hướng này trở nên rõ rệt hơn trong năm nay. Hiện nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ cũng đã có kế hoạch tăng cường nhập khẩu hơn nữa hàng Việt Nam vào chuỗi cung ứng. Với Nhật Bản, kết quả một cuộc điều tra với hơn 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy số doanh nghiệp chọn Việt Nam đã tăng lên mức 41%. 

Thực tế đó là cơ sở để Việt Nam tin tưởng vào thành công của mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu, mà như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, cao hơn so với dự báo của các tổ chức quốc tế, trong khi duy trì mức lạm phát dưới 4%.