Choáng ngợp, tự hào với các nghiên cứu, thiết kế quốc phòng ‘made in Vietnam’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến chiêm ngưỡng, nhìn tận mắt, chạm tận tay những khí tài quân sự tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, ai cũng có một cảm giác phấn khởi khi thấy nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam ngày càng hiện đại với hướng đi chủ động nghiên cứu, chế tạo, làm chủ các công nghệ hiện đại.

Những ấn tượng đặc biệt

Tại triển lãm, Việt Nam đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo, bao gồm: Súng, đạn bộ binh; súng, đạn chống tăng; súng, đạn cối; súng, đạn pháo; các sản phẩm hóa nổ, ngòi nổ; khí tài quang; sản phẩm tàu; các loại áo giáp, mô hình nghi binh, nghi trang và trang thiết bị hậu cần; hệ thống thông tin liên lạc, radar, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống chỉ huy điều khiển, hệ thống huấn luyện mô phỏng, thiết bị quang điện tử, thiết bị bay không người lái (UAV), hệ thống tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin; vũ khí, trang bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, phương tiện tuần tra, kiểm soát an ninh-trật tự, phòng cháy, chữa cháy, hậu cần phục vụ lực lượng công an…

Những khí tài đó là minh chứng cho hướng đi xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội là một nội dung cơ bản theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại đến năm 2030.

Những khí tài quân sự hiện đại của Việt Nam

Những khí tài quân sự hiện đại của Việt Nam

Có mặt tại triển lãm, Trung úy Camille Jovi Baybayan thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines tỏ ra bất ngờ khi thấy nhiều vũ khí trang bị như các loại súng bộ binh, radar, hệ thống thông tin quân sự, hệ thống tự động hóa hay hệ thống mô phỏng hiện đại... đều đã được phía Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Những sản phẩm trên luôn đòi hỏi yêu cầu sự đầu tư, năng lực, kỹ năng rất cao.

Đặc biệt, Trung úy Camille Jovi Baybayan ấn tượng với gian trưng bày và các khí tài của Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel). Viettel có 2 gian trưng bày, gian hàng về quân sự giới thiệu tổng số 60 sản phẩm (6 sản phẩm ngoài trời và 54 sản phẩm trong nhà). Viettel liên tục mở rộng nghiên cứu, làm chủ sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có nhu cầu cấp bách, các loại vũ khí thế hệ mới, góp phần hiện đại hóa quân đội. Tập đoàn này sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu sản xuất các loại khí tài thông minh hơn, chính xác hơn, tin cậy hơn theo mô hình C5ISR (mô hình tác chiến hiện đại) được áp dụng ở nhiều nước có nền khoa học quân sự tiên tiến.

Trực thăng mang cờ Tổ quốc

Trực thăng mang cờ Tổ quốc

Những thiết bị quân sự của Viettel đã đem lại hiệu quả thiết thực, được các đơn vị đánh giá cao về chất lượng và tính năng kỹ thuật, chiến thuật, phù hợp với điều kiện khí hậu, nhu cầu huấn luyện và tác chiến của quân đội. Bên cạnh đó, còn bảo đảm tính bảo mật, chủ động trong sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành bảo trì, giá thành cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách.

“Những công nghệ lõi Viettel đã làm chủ trong lĩnh vực quân sự hoàn toàn sử dụng chéo được cho cả dân sự. Từ đó, giúp giảm thiểu chi phí, tăng tính công nghệ của sản phẩm, tạo ra những giải pháp lưỡng dụng vừa góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, vừa giúp phát triển kinh tế đất nước” - ông Nguyễn Đăng Hòa, cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự chia sẻ khi tận mắt nhìn thấy dàn xe radar 3D giám sát không phận và các thiết bị trinh sát ảnh nhiệt sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết do Viettel chế tạo được trưng bày tại triển lãm.

Gian hàng các loại súng bộ binh do Việt Nam sản xuất luôn thu hút đông đảo người dân

Gian hàng các loại súng bộ binh do Việt Nam sản xuất luôn thu hút đông đảo người dân

Làm chủ nhiều lĩnh vực

Tại triển lãm, Viện Thiết kế tàu quân sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng Việt Nam) mang đến 10 mô hình tàu quân sự tiêu biểu cho ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của nước nhà trong thời gian vừa qua, trong đó có: Tàu tên lửa tấn công nhanh 12418, tàu pháo tuần tiễu TT-400TP, tàu Cảnh sát biển đa năng DN-2000, tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316, tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu nạn xa bờ FC-624...

Gian hàng của Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng Việt Nam) tại triển lãm cũng luôn thu hút đông đảo khách tham quan với những chủng loại đa dạng súng bộ binh hiện đại. Đó là 14 sản phẩm súng bộ binh, gồm các loại súng ngắn, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên và súng trường bắn tỉa, có cỡ nòng từ 5,56mm đến 12,7mm. Các loại súng này do Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) nghiên cứu thiết kế và Nhà máy Z111 cải tiến, chế tạo. Đây là những sản phẩm ra đời sau quá trình dày công nghiên cứu, sáng tạo và trải qua một quy trình nghiệm thu khắt khe.

Đặc biệt, các sản phẩm này đã được trang bị cho các đơn vị để đáp ứng tốt yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Các sản phẩm này có chất lượng cũng như mẫu mã tương đương sản phẩm cùng loại của nước ngoài - minh chứng sinh động cho khả năng làm chủ nghiên cứu thiết kế, chế tạo và sản xuất các loại vũ khí mới của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, đồng thời củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ đối với vũ khí, trang thiết bị do chính nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất. Đại diện nhà máy khẳng định, ngoài việc bảo đảm tự chủ sản xuất súng bộ binh phục vụ các đơn vị trong lực lượng vũ trang, Nhà máy Z111 còn định hướng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vũ khí của Việt Nam ra nước ngoài, nhằm phát huy tối đa hiệu quả dây chuyền sản xuất, duy trì tay nghề cho đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật, đồng thời tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho phát triển…

Đó còn là những vũ khí chiến tranh hiện đại như: UAV tấn công do hãng chế tạo tư nhân Hera của Việt Nam tự phát triển; mẫu robot chiến đấu với súng tiểu liên do Việt Nam nghiên cứu sản xuất; mẫu máy bay không người lái của Viettel; những dàn pháo với khả năng tự động hóa do Việt Nam chủ động nghiên cứu…cho thấy nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã và đang từng bước làm chủ các công nghệ hiện đại.

Sáng 10-12, ngày cuối cùng của triển lãm, hàng nghìn người dân đã tập trung ở cổng ra vào triển lãm tại khu vực sân bay Gia Lâm dù thời tiết khá lạnh và có chút mưa bụi nhưng không ai thấy ái ngại. Từ những người cao tuổi đến các bạn trẻ đều kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi đến lượt vào cổng bởi đây là cơ hội hiếm có để “thực mục sở thị” các loại vũ khí, trang bị hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như các sản phẩm công nghiệp quốc phòng do các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sản xuất. “Chúng tôi thấy rất tự hào với các vũ khí do Việt Nam nghiên cứu chế tạo, công nghệ rất hiện đại, rất mừng” - ông Nguyễn Chí Công (cựu chiến binh quận Ba Đình) chia sẻ.