Cho vay ngang hàng sẽ là hoạt động kinh doanh có điều kiện

ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất cho thực hiện thí điểm cho vay ngang hàng, theo đó sẽ coi hoạt động này là ngành kinh doanh có điều kiện.

Thông tin về định hướng quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước là đầu mối nghiên cứu vấn đề này.

"Chúng tôi cũng đã giao cho các vụ, cục chức năng tham khảo cách thức quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Sau khi thí điểm thì sẽ có tổng kết đánh giá" - Phó Thống đốc cho hay.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cho vay ngang hàng có điểm thuận lợi là việc giải ngân nhanh, nhưng cũng có mặt không thuận lợi và tiêu cực, có thể gây ra nhiều hệ lụy với những người tham gia. Đây là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật hiện hành chưa có quy định giao cho cơ quan chức năng nào quản lý. Cơ quan quản lý không cấm các sản phẩm của xu hướng kinh doanh mới nhưng phải đảm bảo việc quản lý chặt chẽ.

Cơ quan quản lý sẽ cấp phép thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng theo hướng coi đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan để nghe Ngân hàng Nhà nước báo cáo về hoạt động cho vay ngang hàng. Theo đó, cơ quan quản lý cho biết mô hình này xuất hiện tại Việt Nam cách đây khoảng 2 năm với 40 công ty đang hoạt động theo dạng thức truyền thống nêu trên.

Trong 40 công ty này thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Nhiều công ty trong số này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng từng cảnh báo về hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Theo đó, cơ quan quản lý cho rằng mô hình này còn nhiều bất cập, như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, hoặc tình trạng đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.

Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng cho vay ngang hàng.