Chịu gánh nặng thuế phí, giá vé máy bay cao chót vót

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần đây, người dân cũng như các hãng lữ hành du lịch đều phản ánh vé máy bay nội địa luôn neo ở mức cao, đặc biệt trong cao điểm nghỉ lễ 30/4 tới đây. Một trong những yếu tố khiến giá vé máy bay nội địa rất cao, do gánh nặng thuế, phí và phụ phí của hãng.

"Sốc" với giá vé máy bay quốc nội

Lãnh đạo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam từng phải thốt lên "khá sốc" với giá vé máy bay nội địa gần đây. Không chỉ lãnh đạo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, mà một số địa phương chuẩn bị đón khách dịp nghỉ lễ 30/4 tới đây như Phú Quốc… cũng phải lên tiếng, kiến nghị với các Bộ, ngành cũng như cơ quan liên quan điều tiết giá vé máy bay nội địa trên chặng bay này.

Có nhiều nguyên nhân khiến vé máy bay tăng cao từ sau dịch Covid-19, không chỉ tập trung vào các dịp nghỉ lễ.

Nhiều đường bay hot dịp nghỉ lễ 30/4 đã kín chỗ

Nhiều đường bay hot dịp nghỉ lễ 30/4 đã kín chỗ

Đại diện các hãng hàng không cho biết, đầu tiên là do vấn đề cung cầu. Dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao. Giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên.

Vào ngày thường, nhu cầu đi lại cũng cao hơn cùng kỳ một năm trước sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế. Đây là đặc trưng của vận tải hàng không.

Còn theo đại diện Vietnam Airlines, giá vé được các hãng thực hiện theo cơ chế linh hoạt, gồm nhiều mức từ thấp đến cao với các điều kiện khác nhau để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Loại vé giá thấp sẽ đi kèm hạn chế như không được hoàn hủy, đổi chuyến, giờ bay không đẹp. Khách mua sớm sẽ có cơ hội mua giá thấp, sát ngày phải trả giá cao hơn.

Các khoản thuế, phí trên 1 vé máy bay của Vietjet Air

Các khoản thuế, phí trên 1 vé máy bay của Vietjet Air

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không cho hay, giá nhiên liệu bay, tỷ giá, lãi suất đều tăng mạnh khiến chi phí của các hãng tăng, đẩy doanh nghiệp vào khó khăn.

Giá nhiên liệu tăng là rào cản hàng đầu với đà phục hồi của doanh nghiệp. Năm 2021, giá nhiên liệu bay bình quân khoảng 72 USD một thùng. Đến giữa năm 2022, giá xăng Jet A1 có thời điểm leo tới hơn 160 USD. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay khoảng 130 USD một thùng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân sẵn sàng chấp nhận việc tăng giá vé máy bay cũng như các loại hình vận tải trong dịp nghỉ lễ 30/4, nhưng bài toán đặt ra là tăng sao cho hợp lý? Hiện thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng vì kinh tế. Giá vé máy bay quá cao sẽ tác động đến quyết định đi lại của người dân, kéo theo chuỗi cung ứng như lữ hành, khách sạn, ăn uống… cũng giảm.

Dù vậy, khi đến bước thanh toán hành khách lại phải trả thêm 110.000 đồng/cặp vé khiến không ít người bức xúc

Dù vậy, khi đến bước thanh toán hành khách lại phải trả thêm 110.000 đồng/cặp vé khiến không ít người bức xúc

Âm thầm "đút túi" tiền triệu phụ phí/cặp vé

Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như người dân đều cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay khó có thể giảm là do chịu gánh nặng thuế, phí do các hãng thu hộ cơ quan Nhà nước; cùng đó phụ thu trên vé máy bay của các hãng cũng rất cao.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thẳng thắn bày tỏ, dù có mua vé máy bay 0 đồng trên website của hãng thì người dân vẫn phải chi trả thêm từ 500-700.000 đồng/vé máy bay tiền thuế, phí và phụ thu.

Chị Đặng Hoàng Trang ở Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, gia đình 5 người (2 người lớn và 3 trẻ em) định đi nghỉ lễ 30/4 ở Nha Trang nhưng do giá vé máy bay quá cao nên đã phải tính toán lại.

“Gia đình phải lùi thời gian du lịch vào giữa tháng 5. Dù vậy, khi đặt mua vé trên website của hãng, tôi vẫn rất bất ngờ. Giá vé máy bay không hề rẻ mà còn “cõng” thêm một loạt thuế, phí, đặc biệt là phụ thu từ hãng”- chị Trang cho hay.

Chị Trang phân tích, chị đặt 5 vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội- Nha Trang vào giữa tháng 5 tới đây của hãng hàng không Vietjet. Giá vé xấp xỉ 3,3 triệu đồng/người khứ hồi, đã bao gồm thuế, phí và phụ phí.

“Tôi rất bất ngờ khi đến bước thanh toán, hãng lại tính thêm 110.000 đồng/người phí tiện ích. Tại sao trong cơ cấu giá vé đã có 593.000 đồng/1 vé rồi mà hãng vẫn thu thêm phí tiện ích? Thuế phí, phụ thu sao lại quá nhiều như vậy?Với 5 người đi, gia đình tôi mất thêm 440.000 đồng phí tiện ích mà không hiểu là phí gì (gia đình có 1 thành viên hơn 1 tuổi nên không bị tính thêm phí này- PV)”- chị Trang bức xúc đặt câu hỏi.

Khảo sát của phóng viên vào sáng 17/4 cho thấy, phản ánh của người dân là có cơ sở, khi giá vé được công bố trên website của các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways… đã bao gồm thuế, phí và phụ thu đều ở mức rất cao.

Cụ thể như, cơ cấu giá vé máy bay của Vietjet Air chặng Hà Nội- Nha Trang, ngày đi 19/5, ngày về 21/5 cho thấy, giá vé máy bay của hãng là 3,846 triệu đồng/cặp, đã bao gồm thuế, phí.

Trong cơ cấu các khoản thuế, phí gồm: 593.000 đồng/vé 1 chiều (phụ thu dịch vụ hệ thống (quốc nội) 215.000 đồng, phụ thu quản trị hệ thống 215.000 đồng, phí sân bay quốc nội 100.000 đồng, phí an ninh soi chiếu 20.000 đồng và thuế VAT 43.000 đồng).

Đáng nói, trong đó, các hãng chỉ thu hộ phí sân bay quốc nội và phí an ninh soi chiếu, còn lại 2 khoản phụ thu 430.000 đồng/1 vé hãng thu về.

Như vậy, với một cặp vé máy bay khứ hồi của Vietjet Air, hành khách phải trả cho hãng 860.000 đồng phụ thu và 110.000 đồng phí tiện ích.

Trong khi đó, Vietnam Airlines và Bamboo Airways phụ thu hệ thống là 450.000 đồng/vé 1 chiều, một vé khứ hồi hành khách phải trả cho hãng 900.000 đồng phụ thu. Tuy vậy, cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways không thu thêm khoản “phí tiện ích” 55.000 đồng/1 vé, 110.000 đồng/vé khứ hồi như Vietjet Air.

Không đồng ý giảm giá dịch vụ cất/hạ cánh với hàng không quốc nội

Tại cuộc họp xem xét kiến nghị giảm giá dịch vụ cất/ hạ cánh đối với chuyến bay nội địa năm 2023 mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã thống nhất với ý kiến cho rằng, chưa đủ cơ sở để xem xét giảm giá dịch vụ cất/ hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa năm 2023.

Nguyên nhân, theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng vận chuyển nội địa năm 2023 dự kiến đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019. Như vậy, thị trường vận tải nội địa đã và đang phục hồi như giai đoạn trước dịch Covid-19.