Chính trường Pakistan “nóng” lên sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Imran Khan

ANTD.VN - Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan may mắn sống sót sau một vụ xả súng tại cuộc vận động chính trị vào ngày 3-11. Vụ ám sát khiến 1 người thiệt mạng và một số người khác bị thương, đồng thời có thể là “ngòi nổ” gây căng thẳng cho chính trường quốc gia Nam Á này.
Cựu Thủ tướng Pakistan gặp nhiều khó khăn khi muốn trở lại nắm quyền

Cựu Thủ tướng Pakistan gặp nhiều khó khăn khi muốn trở lại nắm quyền

Chưa rõ động cơ tấn công

Hình ảnh được ghi lại cho thấy, khi ông Imran Khan - Chủ tịch đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) bước xuống xe ở thị trấn Gujranwala, tỉnh Punjab thì tiếng súng vang lên. Các thành viên trong đoàn của cựu Thủ tướng phải cúi xuống để nấp. Ông Asad Umar - lãnh đạo cấp cao của đảng PTI cho biết, một viên đạn găm vào chân ông Khan. Chính trị gia này đã được đưa đi cấp cứu ở Lahore, cách hiện trường khoảng 2,5 giờ lái xe và hiện trong tình trạng ổn định.

Theo cảnh sát, nghi phạm đã bị bị bắt giữ với một khẩu súng lục 9mm và 2 băng đạn rỗng. Ông Faisal Javed - một chính trị gia cấp cao của PTI và là đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Khan cho biết, ít nhất 1 người đã thiệt mạng do bị thương vào vùng đầu. Ông Javed đang điều trị trong bệnh viện nói: “Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi, cho ông Imran Khan, cầu nguyện cho đồng nghiệp của chúng tôi, những người bị thương nặng và cầu nguyện cho đảng viên của chúng tôi đã tử vì đạo”. Còn ông Chaudhry Pervaiz Elahi - Tỉnh trưởng tỉnh Punjab, viết trên Twitter: “Chúng tôi muốn biết ai đứng sau vụ việc? Người nào đã huấn luyện thủ phạm? Động cơ vụ việc là gì? Anh ta nhận được bao nhiêu tiền và tiền đó lấy từ đâu?”.

Đây không phải là lần đầu tiên các chính trị gia Pakistan bị tấn công. Trước đó, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát vào ngày 27-12-2007 và sau đó Thủ tướng Yousaf Raza Gillani đã sống sót sau một vụ ám sát vào năm 2008.

Căng thẳng chính trị có thể gia tăng

Sự cố xảy ra khi ông Imran Khan đang có chuyến vận động tranh cử trên toàn quốc, trong đó ông tổ chức các cuộc mít tinh kêu gọi tổ chức bầu cử sớm trước tháng 8 năm sau. Chiến dịch “hành quân dài ngày” bắt đầu ở Lahore vào ngày 28-10 và dự kiến sẽ kết thúc ở Islamabad sau khi đi qua một số thành phố của Pakistan. Đó là một trong số kế hoạch lớn kể từ khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị lật đổ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 4-2022.

Vào ngày 21-10-2022, Ủy ban bầu cử Pakistan (ECP) đã khuyến nghị ông Imran Khan sẽ bị truất quyền nắm giữ chức vụ chính trị trong 5 năm vì liên quan đến “các hành vi tham nhũng”. Ủy ban cho biết, quyết định của họ dựa trên lý do cựu Thủ tướng Khan đã “đưa ra những tuyên bố sai lệch” liên quan đến việc bán những món quà mà các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia và Dubai tặng cho ông khi còn đương chức. Thời điểm bị phế truất, ông Imran Khan liên tục tuyên bố mà không có bất kỳ bằng chứng nào, rằng Mỹ đứng sau việc ông mất quyền lực. Những tuyên bố của ông đã gây chấn động đối với một bộ phân dân số muốn đứng về phe đối lập khi chi phí sinh hoạt tăng cao. Sau vụ nổ súng ngày 3-11, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Pakistan, bao gồm cả ở Islamabad và Peshawar, nơi có khoảng 800 người biểu tình tụ tập. Họ đã chặn các con đường trong khoảng 2 giờ, hô khẩu hiệu chống lại quân đội và chính phủ liên bang.

Vụ nổ súng có khả năng làm bùng phát thêm tình hình vốn đã căng thẳng giữa cựu Thủ tướng Imran Khan và đương kim Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif - người từng dẫn đầu chiến dịch loại bỏ ông Khan khỏi chức vụ. Ông Khan cáo buộc ông Sharif cùng Bộ trưởng Nội vụ Rana Sanaullah và Thiếu tướng Faisal Naseer (một quan chức tình báo cấp cao) đứng sau vụ tấn công hôm 3-11. Bộ trưởng Sanaullah gọi những cáo buộc của ông Khan là “đáng buồn” trong một bài phát biểu trên truyền hình cùng ngày: “Ông Imran Khan đã đổ lỗi cho tôi, Thủ tướng và một sĩ quan cấp cao. Đây là một tuyên bố quá đau buồn. Chuyện xảy ra ở tỉnh mà đảng của ông Imran Khan đang nắm quyền. Rất đáng khen là cảnh sát, người dân và người của đảng PTI đã ngăn chặn kẻ tấn công. Đó là một bầu không khí mà mọi nghi thức chính trị đã bị bỏ qua”.

Về phần mình, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã lên án vụ tấn công nhằm vào đối thủ chính trị của mình đồng thời cho biết ông đã yêu cầu “báo cáo ngay lập tức về vụ việc” và sẽ cầu nguyện cho sự bình phục của những người bị thương. Ông Sharif viết: “Bạo lực không có chỗ đứng trong nền chính trị của đất nước chúng ta”. Mặc dù vậy, một số chính trị gia của đảng PTI tuyên bố vụ ám sát nhắm vào ban lãnh đạo đảng này, đồng thời kêu gọi biểu tình ôn hòa trong thời gian tới.