Chính thức cho phép giãn nợ trái phiếu doanh nghiệp, thanh toán trái phiếu bằng bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Trong đó, Nghị định bổ sung quy định: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Tuy nhiên, việc thanh toán phải theo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.

Thứ hai, phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.

Thứ ba, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp đã có thể thanh toán trái phiếu doanh nghiệp bằng tài sản khác

Doanh nghiệp đã có thể thanh toán trái phiếu doanh nghiệp bằng tài sản khác

Được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm

Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định: Doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023-2024 rất lớn, quy định trên sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn đỉnh nợ này, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định.

Thứ nhất, tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này.

Thứ hai, trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Thứ ba, đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).

Hoãn nâng chuẩn nhà đầu, hoãn xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên thì Nghị định 08/2023/NĐ-CP cũng cho phép ngưng hiệu lực thi hành đối với một số quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023. Cụ thể:

Tạm ngưng quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Tạm ngưng quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Tạm ngưng quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Trước đó, theo Nghị định 65, chuẩn nhà đầu tư chứng chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải đáp ứng: danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.

Về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 06 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

Doanh nghiệp phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu.

Về xếp hạng tín nhiệm, Nghị định 65 quy định hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (5/3/2023).

Các đợt chào bán trái phiếu đã gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán cho Sở giao dịch chứng khoán trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc phân phối trái phiếu thì tiếp tục thực hiện theo quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại Nghị định 65.