Chính sách "Hướng Đông" của Nga: Hành trình hơn 6 năm qua

ANTD.VN - Hệ quả của việc Mỹ trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao, không coi trọng vị thế của Nga trong khu vực và toàn cầu, đã buộc Nga phải đi đến quyết định đẩy chính sách "Hướng Đông", dành sự chú ý nhiều hơn tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Châu Á-TBD). Đây không phải là chính sách mới của Nga, nhưng trong bối cảnh hiện nay, dường như nước này đang triển khai một cách tích cực hơn.

Nguồn gốc "Hướng Đông"

"Hướng Đông" là sự cần thiết chín muồi từ lâu trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nga. Những biện pháp riêng lẻ nhằm đẩy mạnh hướng đi này đã xuất hiện ngày từ những năm 1990. Khi đó đã có những nỗ lực đầu tiên không chỉ thiết lập quan hệ song phương với các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD), mà còn củng cố trong các cấu trúc đa phương như Diễn đàn APEC và Hiệp hội ASEAN.

Tuy nhiên, những biện pháp trước đó không mang tính hệ thống và tình hình kinh tế Nga vào thời điểm đó không cho phép xây dựng chiến lược phối hợp hành động trong không gian châu Á-TBD. Lúc đó, nước Nga có mối quan hệ chặt chẽ với phương Tây và tuyên bố kiên định với "định hướng châu Âu"; lãnh đạo cũng ít quan tâm đến châu Á.

Tổng thống Nga V. Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 4-2019 (Nguồn: TASS)

Trong những năm gần đây, sự suy giảm trong quan hệ với phương Tây, những nỗ lực vô nghĩa thúc ép Nga hội nhập châu Âu ngày càng trở nên "vô vọng", đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh chính sách "xoay trục về Hướng Đông".

Nga bắt đầu coi trọng việc hợp tác với các nước châu Á kể từ khi ông V. Putin lên cầm quyền nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên (năm 2000). Chỉ một năm sau khi nhậm chức, Tổng thống V. Putin đã chỉ đạo ký các văn kiện quan trọng định hướng cho việc phát triển quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ,... Đây cũng là 3 đối tác châu Á thường xuyên được đề cập trong các văn bản hoạch định chính sách của Nga, với tư cách là những đối tác ưu tiên hàng đầu của Nga tại châu Á-TBD.

Giới chuyên gia nhận định, Chính phủ Nga đã nhìn thấy cơ hội từ việc sử dụng "tính năng động" của châu Á như một nguồn lực bên ngoài thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Chính sách kinh tế mà Nga đang phát triển là sự hiện thực hóa chính sách "Hướng Đông" đã được Tổng thống V. Putin đưa ra từ năm 2012.

Một số kết quả đạt được

Từ năm 2012 đến nay, mặc dù tốc độ triển khai chính sách "Hướng Đông" diễn ra không như kỳ vọng, song Nga đã có sự chủ động hơn trong việc phát  triển quan hệ hợp tác với các nước châu Á trên cả lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư và an ninh - quốc phòng.

Năm 2012, Nga đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-TBD (APEC) tại Vladivostok, nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên "đối tác chiến lược toàn diện". Đáng chú ý, ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ III (năm 2012), Tổng thống Putin đã chỉ đạo "nâng cấp" hợp tác kỹ thuật quân sự với Việt Nam và các nước BRICS (trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ) theo hướng chuyển từ quan hệ mua bán thông thường sang cùng nghiên cứu, sản xuất vũ khí hiện đại.

Tổng thống Nga V. Putin gặp gỡ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Nga chính thức của lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 4-2019 (Nguồn: Sputnik)

Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014, quan hệ của Nga với Mỹ/phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991), Nga đã có những động thái thực sự "xoay trục sang châu Á". Bắt đầu từ năm 2015, Nga đã "định kỳ" tổ chức Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok với mục đích thu hút đầu tư và tăng cường hợp tác kinh tế với các nước châu Á-TBD.

Cá nhân Tổng thống V. Putin tham dự tất cả các diễn đàn này và mời nguyên thủ các nước (Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Phó Thủ tướng Việt Nam...) tham dự. Năm 2016, Nga nâng cấp quan hệ hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ lên cấp độ toàn cầu (đối tác vì hòa bình và ổn định trên toàn cầu) nhằm duy trì ổn định chiến lược và thúc đẩy trật tự thế giới "đa trung tâm".

Bên cạnh đó, Nga còn thúc đẩy mở rộng thành viên, thiết lập các tổ chức tín dụng, ngân hàng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tham gia Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng ... nhằm giảm sự phụ thuộc vào các định chế tài chính quốc tế do Mỹ/phương Tây thao túng. Một điểm mới là việc Nga thúc đẩy hợp tác tài chính - tiền tệ, chủ trương sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại với các nước châu Á (Trung Quốc, Việt Nam,...). Chủ trương hội nhập kinh tế với châu Á-TBD còn được Nga đẩy mạnh thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối với khu vực (đường sắt, đường bộ, xây cầu...), nhất là với Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Mông Cổ...

Mặc dù, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) được Nga thành lập để bảo vệ "không gian ảnh hưởng riêng", song Nga cũng xác định không thể đặt Liên minh này ra khỏi tiến trình hội nhập khu vực và xu hướng toàn cầu hóa.

Do đó, Nga nhiều lần tuyên bố về ý định thiết lập một không gian kinh tế rộng mở tại lục địa Á - Âu (sáng kiến Đại Á - Âu), với sự gắn kết của EAEU, ASEAN và SCO. Đồng thời, Nga (2016) cũng đã đạt thỏa thuận với Trung Quốc về việc kết nối EAEU với sáng kiến "Vành đại và Con đường" (BRI); và kế hoạch thúc đẩy kết nối BRI với tuyến hàng hải phương Bắc (NSR) của Nga năm 2019 (tại Diễn đàn BRI ở Trung Quốc và chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trung tuần tháng 6-2019).

Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên các chủ trương, sáng kiến kết nối của Nga với các nước trong khu vực bị cản trở hoặc chậm được triển khai.

Về khách quan, khó khăn lớn nhất là hoạt động bao vây, cấm vận của Mỹ/phương Tây, cũng như sự sụt giảm giá dầu khiến kinh tế Nga suy giảm nghiêm trọng (nhất là trong năm 2015 và 2016). Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng khiến một số chủ trương, sáng kiến của Nga về kết nối đường sắt, đường ống dẫn khí/dầu với Hàn Quốc, Triều Tiên chưa được triển khai.

Các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc cũng xác định khu vực châu Á-TBD là khu vực địa chiến lược quan trọng, không ngừng gia tăng ảnh hưởng, vô hình trung làm giảm vai trò của Nga tại khu vực. Trong khi đó, Nga đang phải căng trải lực lượng trên nhiều mặt trận (Syria, Ukraine) nên khó có thể tập trung toàn tâm, toàn lực vào việc triển khai thực hiện chính sách Hướng Đông như mong muốn.

Khu vực Siberia - Viễn Đông ít người sinh sống, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, không thuận lợi cho hoạt động hợp tác, lưu thông hàng hóa. Nguồn lực tài chính Nga cũng hạn chế hơn so với các cường quốc khác. Việc triển khai chiến lược phát triển Viễn Đông của Nga chưa đạt được nhiều kết quả nội bật nên thu hút đầu tư của các nước láng giềng vào đây còn hạn chế.

Về chủ quan, phong cách làm việc của người Nga còn thiếu linh hoạt, mềm dẻo, vẫn còn tâm lý "nước lớn", đội ngũ chuyên gia làm việc với châu Á còn thiếu và chưa am hiểu về văn hóa châu Á. Do đó, việc phối hợp, tham vấn lẫn nhau chưa thực sự gắn kết, thiếu tính liên tục.

Triển vọng thời gian tới

Trong tương lai gần, quan hệ Nga với Mỹ/phương Tây ít khả năng được cải thiện rõ rệt, bản chất đối kháng khó có khả năng thay đổi, do đó Nga vẫn có nhu cầu và động lực gắn kết hơn với châu Á. Trong nhiệm kỳ 4 của Tổng thống V. Putin (2018-2024), xu hướng hội nhập với châu Á-TBD sẽ tiếp tục được Nga thúc đẩy thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với các nước lớn ở khu vực (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...), các nước láng giềng (Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ...), nâng cấp quan hệ với ASEAN lên "đối tác chiến lược" và thiết lập các FTA với một số thành viên ASEAN.

Vostok 2018 là cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga từ trước đến nay

Tuy nhiên, để nâng cao vị thế, tiếng nói của mình trong tiến trình hội nhập khu vực, Nga sẽ không chỉ tham gia với tư cách riêng rẽ, mà sẽ tìm cách kết nối các tổ chức tiểu khu vực do Nga hoàn toàn dẫn dắt (EAEU, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập Thể - CSTO...) với các tổ chức khác có sự chi phối của cả Trung Quốc và Ấn Độ (SCO, BRICS). Do đó, các FTA hoặc các thỏa thuận khác cũng sẽ được Nga thúc đẩy thiết lập giữa EAEU với các đối tác.

Cùng với đó, Nga sẽ tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Lãnh đạo Nga tiếp tục xác định Việt Nam là "cầu nối", điểm tựa quan trọng để Nga thực hiện chính sách "Hướng Đông".