Nước Mỹ thời Joe Biden (1)

Chính sách đối ngoại Mỹ phục hưng tư tưởng truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump được cho là khó lường, song chính sách này sẽ có sự chuyển ngoặt lớn bởi ông Joe Biden là một chính khách dày dạn luôn chủ trương tư tưởng truyền thống là thân thiện, hợp tác với đồng minh cũng như đối thoại với các đối tác, đối thủ.

LTS: Việc cựu Phó Tổng thống Joe Biden được truyền thông Mỹ “xướng tên” là ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 với hơn 270 phiếu đại cử tri được cho sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn, thậm chí đảo ngược nhiều chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng của nước Mỹ sau khi Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chính thức nhậm chức sau 12h trưa 20-1-2021.

Ông Joe Biden (phải) được cho sẽ chủ trương thực thi những chính sách đối ngoại truyền thống như người tiền nhiệm Barack Obama mà ông có 8 năm làm Phó Tổng thống

Ông Joe Biden (phải) được cho sẽ chủ trương thực thi những chính sách đối ngoại truyền thống như người tiền nhiệm Barack Obama mà ông có 8 năm làm Phó Tổng thống

Đảo ngược chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump

Nguyên tắc cốt lõi của chính sách đối ngoại truyền thống thực thi suốt từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai của nước Mỹ gần như đảo ngược hoàn toàn khi Tổng thống Donald Trump chính thức trở thành chủ nhân của Nhà trắng vào ngày 20-1-2017. Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump không xem trọng đó là đồng minh, đối tác hay đối thủ mà luôn đặt lợi ích thực dụng của nước Mỹ, theo cách nhìn nhận của ông, lên trên hết trong chính sách đối ngoại.

Tổng thống Donald Trump trong gần 4 năm qua không ngần ngại gây áp lực tối đa mà không màng tới đó là đồng minh truyền thống hay đối thủ để phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donlad Trump cũng đã rút khỏi hàng loạt hiệp định quốc tế quan trọng từ an ninh tới kinh tế - thương mại cũng như môi trường mà các chính quyền tiền nhiệm đại diện cho nước Mỹ đã ký kết hay cam kết như thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đóng góp ngân sách cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…

Một điều khiến thế giới bất an với chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump gần 4 năm qua là sự khó lường. Dù đàm phán, thương lượng trong các lĩnh vực an ninh hay kinh tế-thương mại, an ninh truyền thống hay phi truyền thống thì rất khó lượng định quyết định cuối cùng của nước Mỹ dưới thời chính quyền của vị Tổng thống xuất thân là tỷ phú, thậm chí có những thay đổi bất ngờ vào phút chót.

Trái ngược với sự “phi truyền thống” mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thực thi những năm qua, ứng cử viên Joe Biden với nhiều chục năm tham gia chính trường Mỹ với 36 năm làm Thượng nghị sĩ và 8 năm làm Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama, lại chủ trương quay trở lại chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ vốn đã được định hình từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông Joe Biden trong quá trình tranh cử vừa qua đã luôn khẳng định sẽ đảo ngược, xóa bỏ hoặc giảm bớt những động thái được cho là “cứng rắn và táo bạo nhất” trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump.

“Cơn sóng thần” đổi thay chính sách đối ngoại

Ưu tiên đầu tiên, cấp bách nhất đối với ông Joe Biden khi nắm quyền tất nhiên là các thách thức đối nội mà nước Mỹ đang phải đối mặt, đặc biệt là đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) vốn đã khiến gần 10,5 triệu người Mỹ mắc bệnh và hơn 245 nghìn người tử vong. Song không phải vì thế mà vị cựu Phó Tổng thống có thời gian hoạt động chính trường 50 năm này xem nhẹ chính sách đối ngoại.

Cam kết thực thi chính sách đối ngoại được xem là đảo ngược trong nhiều vấn đề quan trọng, ứng cử viên Joe Biden trong suốt quá trình tranh cử cũng như sau khi tuyên bố giành chiến thắng trước Tổng thống Donald Trump đã nhất quán khẳng định mong muốn khôi phục vị thế, vai trò dẫn dắt của nước Mỹ trên trường quốc tế. Ứng cử viên đảng Dân chủ này thậm chí cam kết tung ra một “cơn sóng thần” những đổi thay so với chính quyền Tổng thống Donald Trump trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế.

Đi vào những chính sách đối ngoại quan trọng của nước Mỹ trong tương lai, ông Joe Biden được cho là người theo “chủ nghĩa Đại Tây Dương” mạnh mẽ nhất trong 100 năm trở lại đây. Vị cựu Phó Tổng thống cam kết ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương, đặc biệt là liên minh quân sự NATO cũng như mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) vốn bị không ít va chạm, sứt mẻ trong gần 4 năm qua.

Quan hệ Mỹ - Nga được cho cũng sẽ có những thay đổi quan trọng dưới thời ông Joe Biden khi trái ngược với ông Donald Trump, ứng cử viên đảng Dân chủ này từng không ít lần khẳng định khi tranh cử rằng, trong trường hợp chiến thắng, ông sẽ gia tăng sức ép lên Matxcơva. Chính sách đối ngoại của ông Joe Biden với Nga được cho sẽ cứng rắn hơn như đưa ra cáo buộc chống lại Nga về vấn đề nhân quyền, ủng hộ Ukraine và các nước Đông Âu nhằm gây áp lực với Nga ở hướng Đông, hợp tác với các thành viên NATO ở châu Âu để răn đe Nga…

Quan hệ với Trung Quốc được xem là khó có nhiều thay đổi dưới thời của ông Joe Biden. Cho dù có quan điểm khác biệt hoàn toàn với Tổng thống Donald Trump, song ông Joe Biden lại chia sẻ cách thức ứng phó với một cường quốc đang trỗi dậy đe dọa vị thế của nước Mỹ như Trung Quốc, cho rằng cần phải thực thi chính sách cứng rắn để kiềm chế Bắc Kinh. Có thể ông Joe Biden ứng xử mềm dẻo, linh hoạt trong quan hệ với Trung Quốc so với ông Donald Trump, nhưng quan điểm mà cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều khá giống nhau là cần phải cứng rắn và mạnh mẽ với Trung Quốc.

Những cam kết tranh cử vừa qua cũng cho thấy nhiều chính sách đối ngoại đa phương của Mỹ cũng sẽ đảo ngược dưới thời ông Joe Biden. Ứng cử viên đảng Dân chủ này công khai khẳng định sẽ sớm khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng ứng phó đại dịch Covid-19, có thể tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng như xem xét tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân mà Iran hay TPP… Ông Joe Biden cũng sẽ đảo ngược quy định cấm công dân của các quốc gia, chủ yếu là người Hồi giáo được nhập cư vào Mỹ...

Tất nhiên, biến những cam kết tranh cử thành chính sách thực thi trên thực tế luôn là một điều không dễ dàng và ông Joe Biden chắc chắn phải chịu nhiều áp lực, thách thức trong quá trình này. Song có điều được giới quan sát có cách nhìn nhận chung là ông Joe Biden chắc chắn sẽ phục hưng những nguyên tắc chính sách đối ngoại truyền thống của nước Mỹ.