Chính quyền Bắc Kinh đang tự gây loạn cho chính mình

ANTĐ - Trong khi ngang ngược, leo thang ở các nước láng giềng thì chính quyền Trung Quốc đang phải căng mình đối phó với hàng loạt khó khăn từ thiên tai đến bất ổn an ninh và chính trị trong nước. Gần đây, những cuộc nổi dậy và bạo loạn bùng phát ở “lò lửa Tân Cương”, “những ngọn đuốc sống Tây Tạng”; cùng biểu hiện giận dữ không che đậy đối với chế độ cầm quyền đã và buộc chính quyền Trung ương phải tăng cường an ninh… Nhưng một thực tế cho thấy, càng có sự bắt bớ, triệt phá thì càng làm cho tình hình “gã khổng lồ” Trung Quốc thêm căng thẳng, gây họa loạn trong xã hội, có thể dẫn đến xung đột.

Hồng Kông: Đòi cải tổ chính trị, mở rộng tự do dân chủ

Hồng Kông và Đài Loan đã từ lâu không thuộc về quyền quản lý của chính quyền Trung ương Trung Quốc đại lục. Đó là một thực tế mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ lấy làm hài lòng và trên nhiều diễn đàn họ vẫn đề nghị các quốc gia trên thế giới xem hai khu vực lãnh thổ này là một phần thuộc về Trung Quốc. Song với những gì họ đã, đang làm thì dường như giấc mơ sáp nhập chính thức, trên thực tế của hai khu vực này về chính quyền Trung ương là một điều viển vông và khó thực hiện. 

Ngày 4-4-1990, 7 năm trước khi chính thức thu hồi Hồng Kông, Quốc hội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ban hành “Luật cơ bản của Đặc khu hành chính Hương Cảng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-1997. Khi đó, chính quyền Trung quốc đã long trọng tuyên hứa với người dân Hồng Kông và cả thế giới sẽ áp dụng chính sách: “Một quốc gia, hai chế độ’’. Nghĩa là vẫn để cho người dân Hồng Kông được quyền tự trị ngoại trừ hai vấn đề Quốc phòng và Ngoại giao. Một vài năm đầu, chính quyền Bắc Kinh đã giữ đúng theo như những gì đã hứa, nhưng sau đó từ từ siết lại.

Những năm gần đây, người dân Hồng Kông ngày một lo ngại về sự ảnh hưởng lớn hơn từ Bắc Kinh. Mọi sự căng thẳng chính thức được khai mào khi ngày 10-6 vừa qua, Trung Quốc công bố Sách Trắng về Hồng Kông nhằm nhắc nhở rằng Đặc khu hành chính này không được vượt quá giới hạn của nền tự trị trong khuôn khổ chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Ngay sau khi Sách Trắng được công bố, người Hồng Kông đã tỏ ra rất giận dữ. Khoảng 40 người biểu tình ngày 11-6 đã tụ tập bên ngoài văn phòng đại diện của Bắc Kinh ở phía Tây Hồng Kông để phản đối, đồng thời đốt một bản in của Sách Trắng. 

Để thể hiện khát vọng dân chủ, ngày 22-6 vừa qua, nhiều tổ chức xã hội dân sự ở Hồng Kông đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận bằng hình thức trưng cầu dân ý kéo dài trong 10 ngày (kết thúc ngày 29-6). Cuộc trưng cầu dân ý này do các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông tổ chức, đề nghị 3 phương án bầu lãnh đạo hành pháp theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. 

Trên nguyên tắc, đến năm 2017, đúng theo hứa hẹn của Bắc Kinh, cử tri Hồng Kông sẽ được quyền bầu trực tiếp Trưởng Đặc khu hành chính, nhưng Trung Quốc không cho họ quyền đề cử các ứng cử viên. Nhiều nhà hoạt động dân chủ sợ rằng Bắc Kinh sẽ chọn toàn những ứng cử viên thân với Hoa lục. 

Những biện pháp ngăn chặn của chính quyền Trung Quốc như: gọi hoạt động của các tổ chức dân sự ở Hồng Kông trên là “một trò hề bất hợp pháp”, kiểm duyệt mọi tìm kiếm Internet cho từ khóa “Occupy Central” (tạm dịch là Nắm giữ trung tâm)… cũng không làm nao núng tinh thần phản kháng của người dân Hồng Kông. Ngày 27-6, hơn 1.000 luật sư Hồng Kông đã tuần hành trong yên lặng với trang phục màu đen để phản đối điều mà họ cho là mưu toan của Trung Quốc nhằm xâm phạm sự độc lập tư pháp của đặc khu hành chính này.

Ý chí quyết tâm đòi quyền tự chủ, dân chủ của người dân Hồng Kông được thể hiện rất rõ trong kết quả của cuộc trưng cầu dân ý kết thúc sau 10 ngày: Đến tối ngày 29-6 có hơn 780.000 người tham gia, chiếm gần 1/4 trong tổng số 3,47 triệu cử tri năm 2012 của Hồng Kông, thành phố có dân số khoảng 7,2 triệu người. Những lá phiếu đã bày tỏ ý kiến của người dân Hồng Kông về những chính sách mà lãnh đạo thành phố nên lựa chọn.

Bước sang ngày 1-7, theo truyền thống là ngày tuần hành tại Hồng Kông và cũng là dịp kỷ niệm ngày nơi này được Anh trao trả về Trung Quốc -  hàng trăm nghìn người Hồng Kông xuống đường tuần hành ủng hộ dân chủ.

Giới quan sát cảnh báo rằng có thể các cuộc tuần hành, cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cải cách dân chủ đã và đang diễn ra ở Hồng Kông sẽ đe dọa chiếm các huyện miền Trung và trung tâm tài chính của thành phố, đồng thời sẽ làm gián đoạn các doanh nghiệp, giao thông ở đó.

Đài Loan không nể Trung Quốc

Theo RFA, sự việc bất ngờ xảy ra vào tối ngày 27-6 vừa qua tại một nhà ga xe lửa ở thành phố Cao Hùng. Theo đó, một đám đông khoảng 300 người giương cao khẩu hiệu nói rằng, ông Trương Chí Quân - người đứng đầu văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc - cút về Hoa lục, rồi ném sơn vào đoàn xe của ông. Vì “bị động” và quá “bẽ mặt” nên có đến 3 sự kiện bị hủy bỏ trong chuyến thăm Đài Loan của ông Trương Chí Quân. 

Được biết, chuyến thăm của ông Trương đánh dấu lần đầu tiên một quan chức cấp Bộ trưởng đến hòn đảo tuyên bố tách khỏi Trung Quốc cách đây 65 năm. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ nước này và đã cam kết thúc đẩy tái thống nhất với hòn đảo này.

Chính quyền Bắc Kinh: suy yếu, bị cô lập

Trả lời nhật báo La Croix, chuyên gia Pháp Valérie Niquet - đứng đầu bộ phận châu Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược FRS - nhận định, tình hình căng thẳng Biển Đông bộc lộ Trung Quốc suy yếu từ bên trong. Bắc Kinh đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc và tham vọng bá quyền trên biển để lấy lại tính chính đáng. Nhưng chiến lược này đầy rẫy rủi ro.

Trong một diễn biến khác, tờ The Wall Street Journal dẫn phát biểu của Bộ trưởng Truyền thông Australia, Malcom Turnbull tại Hội nghị các nhà lãnh đạo an ninh và kinh tế được tổ chức tại Đại học quốc gia Australia diễn ra vào ngày 30-6, cho rằng Bắc Kinh sẽ mất nhiều hơn nếu tiếp tục duy trì chính sách hiếu chiến của mình. Theo ông Malcom, chính sách sử dụng vũ lực đe dọa các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ phản tác dụng và đẩy Bắc Kinh vào thế bị cô lập.