Chính phủ Mỹ đóng cửa vì bất đồng về ngân sách

ANTD.VN - Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần, sau khi Thượng viện không thông qua dự thảo ngân sách trước thời hạn chót là nửa đêm 19-1. Việc đóng cửa có hiệu lực ngay khi kim đồng hồ chỉ sang ngày 20-1, đúng dịp tròn 1 năm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. 

Từ năm 1981, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần rơi vào tình trạng đóng cửa

Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho phe Dân chủ

Tổng thống Donald Trump muốn đưa khoản chi xây dựng bức tường biên giới với Mexico vào ngân sách Chính phủ liên bang cho năm tài chính kéo dài tới tháng 9 năm nay. Còn Đảng Dân chủ yêu cầu có biện pháp ngăn chặn việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ. Trước đó, Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự thảo chi tiêu tạm thời để gia hạn ngân sách cho đến ngày 16-2.

Mặc dù vậy, 2 phe Dân chủ và Cộng hòa trong Thượng viện không đạt được thỏa thuận trước khi thẩm quyền chi tiêu của Chính phủ hết hiệu lực vào lúc nửa đêm 19-1. Chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa một phần sau khi dự thảo ngân sách gia hạn chi tiêu cho Chính phủ chỉ nhận được 50 phiếu ủng hộ tại Thượng viện, không đủ 60 phiếu tối thiểu. 

Nhà Trắng phản ứng ngay lập tức về việc 2 đảng không đạt được thỏa thuận. Trong một thông cáo, Nhà Trắng đổ lỗi cho các Nghị sĩ Đảng Dân chủ. “Họ đã đặt vấn đề chính trị lên trên vấn đề an ninh quốc gia, lên trên gia đình các quân nhân, những trẻ em bất hạnh, cũng như lên trên khả năng phục vụ tất cả người dân Mỹ của chúng ta. Chúng tôi sẽ không thương lượng về vị thế của những người nhập cư trái phép khi Đảng Dân chủ biến chính công dân của mình thành con tin chỉ vì những yêu sách của họ”, thông cáo nêu rõ và nhấn mạnh, Đảng Cộng hòa chỉ bàn đến cải cách nhập cư cho đến khi Đảng Dân chủ đồng ý gia hạn chi tiêu ngân sách Chính phủ. 

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump sáng 20-1 viết trên Twitter: “Phe Dân chủ lo cho người nhập cư bất hợp pháp nhiều hơn là cho quân đội và sự an toàn của chúng ta tại biên giới phía Nam. Họ lẽ ra có thể dễ dàng đạt thỏa thuận nhưng thay vào đó quyết định chơi trò đóng cửa”. Đáp lại, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump về sự tạm ngừng hoạt động của Chính phủ. 

Cơ quan Nhà nước ngừng hoạt động, nhân viên phải nghỉ phép hàng loạt

Trong suốt 2 ngày cuối tuần, Thượng nghị sĩ hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa cam kết tiếp tục đàm phán. Nếu không có diễn biến đột phá nào trước hôm nay, 22-1 (theo giờ địa phương), khi Chính phủ Mỹ đóng cửa, nhiều cơ quan Nhà nước sẽ buộc phải ngừng hoạt động, nhân viên phải nghỉ phép hàng loạt. Theo tờ USA Today, chỉ có những nhân viên Chính phủ trọng yếu còn làm việc.

Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng, Mick Mulvaney, cho biết nếu thỏa thuận không được thông qua, một số Văn phòng Chính phủ vẫn sẽ đóng cửa, nhưng không nhiều như năm 2013. Chi tiêu bắt buộc như an sinh xã hội và cứu trợ thiên tai vẫn sẽ được duy trì. Quân đội, cảnh sát và nhân viên trọng yếu tiếp tục làm việc nhưng họ sẽ không nhận được lương cho đến khi Chính phủ làm việc trở lại. Bưu điện Mỹ sẽ không ngừng hoạt động, dịch vụ thư tín diễn ra bình thường. Các thành viên Quốc hội vẫn sẽ nhận lương bởi quy định đã được ghi trong luật.

Từ năm 1981, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần rơi vào tình trạng đóng cửa, đợt dài ngày nhất là dưới thời Tổng thống Bill Clinton (21 ngày). Gần đây nhất, vào tháng 10-2013 dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ từng phải tạm đóng cửa một số các cơ quan Nhà nước trong 16 ngày, gây thiệt hại ước tính 12 tỷ USD cho nền kinh tế nước này, theo Bloomberg. Hơn 850.000 nhân viên đã phải nghỉ việc trong khoảng thời gian đó.