Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính
(ANTĐ) - Nhằm đi sâu vào những vấn đề trong quá trình triển khai các dự án Chính phủ điện tử (CPĐT) ở Việt Nam hiện nay, hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử Việt Nam 2008 diễn ra hôm qua, 17-12. Các đại biểu tham dự hội thảo đã bàn về những biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xây dựng CPĐT ở nước ta để người dân và doanh nghiệp nhanh chóng hưởng lợi từ các dịch vụ công này.
Một cuộc họp giao ban trực tuyến của Chính phủ - Ảnh: vnn |
Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi
Theo Tiến sĩ Đinh Duy Hòa- Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (CCHC) Bộ Nội vụ, ứng dụng CNTT trong CCHC mang lại 3 lợi ích lớn: Tạo ra sự tiếp cận trên diện rộng, giảm thiểu những khó khăn trong giao tiếp giữa cơ quan hành chính với người dân và doanh nghiệp; cung cấp một lượng thông tin thời sự lớn cho cả xã hội và thông qua ứng dụng CNTT, cơ quan hành chính có thể cung cấp qua mạng các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Khả năng giải quyết công việc của họ qua mạng trực tuyến mở ra cơ hội thay đổi về chất trách nhiệm của các cơ quan công quyền, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của CCHC là tạo sự thuận lợi cho xã hội.
Thực tế cho thấy, thủ tục hành chính ở nước ta còn rườm rà, tốn kém. Vậy nên, Đảng và Nhà nước sớm xác định CCHC là một chủ trương quan trọng trong đường lối đổi mới đất nước. Từ yêu cầu của xu thế hội nhập với thế giới và những bức xúc của người dân, doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính là lựa chọn duy nhất và ứng dụng CNTT là phương tiện chủ yếu để đạt được mục tiêu này. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Lê Doãn Hợp khẳng định: “ứng dụng CNTT là nền tảng quan trọng để CCHC nhanh chóng và hiệu quả nhất”.
Khó ở cơ chế
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa nhận xét: “CCHC vẫn chậm so với yêu cầu phát triển và đặc biệt vẫn còn khá nhiều sự phàn nàn, không hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với nền hành chính, thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức”. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Tiến sĩ Nguyễn Thế Dũng - Cán bộ cao cấp phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới cho rằng, đó là do sự cản trở về cơ chế chứ không phải do sự cản trở về hạ tầng kỹ thuật.
Hiện nay, chủ yếu việc đầu tư xây dựng CPĐT tại các địa phương theo kiểu mạnh ai nấy làm. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Trần Đức Lai, việc đầu tư cho CNTT đang chịu sự điều chỉnh của pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, trong khi đó CNTT lại có những đặc thù riêng biệt.
Lĩnh vực CNTT biến đổi rất nhanh, chỉ sau vài tháng công nghệ đã có thể lạc hậu, nhưng việc điều chỉnh sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán theo quy định xây dựng cơ bản lại rất khó khăn. Thứ trưởng Bộ TT -TT Trần Đức Lai cũng cho biết, Bộ TT-TT đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Dự kiến, Nghị định này sẽ được Chính phủ ban hành vào đầu năm 2009 để phấn đấu đến năm 2010, 60% thông tin chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước được đưa lên website, 80% cán bộ các cơ quan này sử dụng e-mail, 90% văn phòng các tỉnh, bộ, 50% văn phòng các huyện làm việc trên văn bản điện tử. Đồng thời, tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công qua trang thông tin điện tử đạt mức độ 3.
Vân Hằng