Chiến lược gia Mỹ: Washington nên bắt tay Bắc Kinh đối phó với sự “náo loạn” của Moscow

ANTĐ -Chiến lược gia thế giới Zbigniew Brzezinski kêu gọi Mỹ-Trung nên ký kết “Hiến chương Thái Bình Dương” mô phỏng theo “Hiến chương Đại Tây Dương” mà Anh-Mỹ ký kết tháng 8-1941. Cụ thể là Washington nên bắt tay Bắc Kinh nhằm đối phó với sự “náo loạn” của Moscow.

Gần đây, trên “Tạp chí chính trị” (Politics Magazines) của Mỹ đã đăng tải bài phỏng vấn cựu cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, chiến lược gia thế giới Zbigniew Brzezinski về mở cửa toàn diện với Trung Quốc.

Trong buổi tọa đàm, một lần nữa chiến lược gia Brzezinski đã đưa ra những nhận định về tương lai. Ông cảnh cáo, do tổng thống Putin “náo loạn” Đông Âu và Trung Đông đang rơi vào vòng xoáy đẫm máu, cục diện thế giới đang chìm trong hỗn loạn, bế tắc.

Lực lượng duy nhất có thể ngăn cản được cục diện này là, 2 cường quốc lớn trên thế giới, Mỹ và Trung Quốc phải bắt tay cùng nhau để giải quyết sự vụ. Do vậy, ông kêu gọi Mỹ-Trung nên ký kết “Hiến chương Thái Bình Dương” mô phỏng theo “Hiến chương Đại Tây Dương” mà Anh-Mỹ ký kết tháng 8-1941.

Chiến lược gia Brzezinski

Ông cho biết, trong những ngày đen tối nhất của Chiến tranh thế giới thứ 2, “Hiến chương Đại Tây Dương” đã trở thành tuyên ngôn hy vọng của thời đại lúc đó. Nó chứa đựng những nguyên tắc chung trong chính sách quốc gia của từng nước mà hai nhà lãnh đạo Anh - Mỹ hy vọng dựa vào đó sẽ tạo ra một thế giới mới tốt đẹp hơn.

Ngày nay, hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia quan trọng nhất thế giới Mỹ-Trung phải truyền tải thông điệp của họ với toàn thế giới, tức là cam kết tăng cường hợp tác toàn cầu để đối phó với khủng hoảng địa chính trị đã và đang xuất hiện.

“Sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại, chúng ta không thể coi nhẹ sự khác biệt căn bản giữa hệ thống chính trị và thế giới quan giữa hai nước. Nhưng bản tuyên bố chung (Hiến chương Thái Bình Dương) sẽ khiến thế giới yên tâm, Washington và Bắc Kinh phải đối xử nghiêm túc thể hiện trách nhiệm nội tại trong quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”.

Về thể chế chính trị và quan điểm chính trị, Trung Quốc và Hoa Kỳ hoàn toàn khác nhau. Còn Mỹ và Anh có hệ thống chính trị và giá trị quan có những nét tương đồng, nên khi đó đã đưa ra được “Hiến chương Đại Tây Dương”. Nhưng sau chiến tranh thế giới, xung đột lợi ích địa chính trị giữa Mỹ và Anh ngày càng nhiều so với xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Lúc đó, người Anh chỉ muốn bảo vệ đế chế của họ, trong khi Hoa Kỳ lại muốn thành lập Liên Hợp Quốc.

Hiện nay, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng có xu hướng nhất trí trong các vấn đề toàn cầu. Về kinh tế, hai nước đều phải “nương tựa” lẫn nhau, “Đây là tài sản lớn để tôi có sự tự tin, ủng hộ tăng cường hợp tác giữa hai nước”, ông Brzezinski nói.

Trả lời phỏng vấn về việc nhà cầm quyền Trung Quốc có cách nhìn thế nào về “Hiến chương Thái Bình Dương”? Liệu họ có muốn đạt được hiệp nghị này không? Ông cho biết: Cảm giác của ông là, các chuyên gia quân sự của Trung Quốc đang có khuynh hướng phê bình, chỉ trích và lên án Mỹ. Nhưng các nhà lãnh đạo đất nước, họ có cách nhìn khác: Hợp tác hai nước sẽ nâng cao địa vị của mỗi nước, nếu Trung-Mỹ xảy ra xung đột đương nhiên tai họa sẽ đến với cả hai nước.