Chia sẻ của phóng viên chiến trường tại dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làm việc ở vùng chiến sự mà thiếu thiết bị bảo hộ, nghe tin tòa soạn lẫn nhà riêng bị trúng bom… nhưng các phóng viên ở dải Gaza vẫn tận tâm với công việc vì họ ý thức về trách nhiệm báo chí: truyền tải bức tranh chân thực nhất tới cộng đồng quốc tế về những gì đang diễn ra ở đây.
Tòa tháp Al-Galaa, nơi hãng tin AP và Al-Jazeera có văn phòng ở tầng 13, bị trúng bom hôm 15-5-2021

Tòa tháp Al-Galaa, nơi hãng tin AP và Al-Jazeera có văn phòng ở tầng 13, bị trúng bom hôm 15-5-2021

Sau 11 ngày giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của người Palestine, ít nhất hơn 243 người Palestine (trong đó có 66 trẻ em) đã thiệt mạng. Israel cũng mất đi 12 người. Cuối cùng, đôi bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực từ 2h ngày 21-5.

Tác nghiệp dưới bom đạn

Trong cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas vào giữa tháng 5-2021, các nhà báo Palestine đã để lại dấu ấn qua những hình ảnh và phóng sự từ hiện trường. Nhưng không phải ai cũng biết, tại những thời điểm ác liệt, bom đạn nhắm ngay vào trụ sở của các tổ chức truyền thông. Sau khi văn phòng của khoảng 20 tổ chức báo chí truyền thông ở dải Gaza bị tấn công, Tổ chức Phóng viên Không biên giới đã kêu gọi Tòa án Hình sự quốc tế điều tra và xác định xem liệu hành động này có phải là tội ác chiến tranh hay không.

Nữ nhà báo Samar Abu el-Ouf, một nhiếp ảnh gia của New York Times có trụ sở tại Gaza, kể lại: “Tôi sững người khi nhận được cuộc gọi từ con gái út của mình. Cô bé nói rằng, tầng trên của ngôi nhà chúng tôi đang ở bị tốc mái. Khi đó, tôi đang chụp ảnh nhà xác đầy nạn nhân tại Bệnh viện al-Shifa ở thành phố Gaza. Tôi không biết phải làm gì. Các nhà báo vây quanh tôi và điều một chiếc xe đến để đưa tôi về nhà”. Hôm đó, Samar Abu el-Ouf sợ rằng sẽ tìm thấy các con của mình dưới đống đổ nát ở khu phố Al-Wehda của Gaza.

Nhưng may mắn đã mỉm cười với chị, chị thấy con mình trên phố. Gia đình họ đã phải sơ tán khỏi nhà trong vài ngày cho đến khi lệnh ngừng bắn được thông báo. Nói về những nguy hiểm phải đối mặt khi làm việc trong vùng chiến sự, Ouf cho rằng chị luôn thực hiện các biện pháp an toàn như đội mũ bảo hiểm, dùng áo khoác mỏng và hết sức thận trọng khi tiếp cận các địa điểm bị ném bom. “Tuy nhiên, cuộc giao tranh đã cản trở tôi tiếp cận các khu vực biên giới nên khó ghi lại các vụ ném bom vào dân thường” - nữ nhà báo nói.

Nơi thiết bị bảo hộ là… của hiếm

Chỉ một số ít nhà báo ở Gaza làm việc cho các hãng thông tấn quốc tế và các mạng truyền hình danh tiếng mới có được các thiết bị bảo hộ như mũ bảo hiểm và áo chống đạn. Trong khi đó, hầu hết các nhà báo bản xứ đều làm việc trong điều kiện không an toàn, đe dọa thực sự đến tính mạng của họ.

Trong nhiều năm, việc cung cấp các công cụ bảo hộ cho Gaza bị ngăn cản do chúng được coi là thiết bị quân sự hoặc vật liệu lưỡng dụng có thể đến tay Hamas và các phe phái khác ở Palestine. Làm việc mà không có những thiết bị bảo hộ này trong thời điểm xung đột là mối đe dọa chết người đối với các nhà báo. Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo, 18 nhà báo đã bị giết ở Israel và Palestine từ năm 1992 đến 2021, nhưng không có trường hợp tử vong nào được báo cáo trong cuộc đối đầu gần đây giữa Hamas và Israel ở Gaza.

Trong cuộc đụng độ gần đây nhất, 3 phóng viên ảnh đã thoát chết nhờ mặc áo bảo hộ và đội mũ bảo hiểm. Hôm đó, Mustafa Hassouna đi cùng với 2 người khác trong một chiếc ô tô có biển hiệu “báo chí” bằng tiếng Ảrập và tiếng Anh. Đúng lúc, một tên lửa đã bắn trúng phía sau xe của họ và mảnh đạn văng vào bên trong. Anh nói nếu không mặc áo chống đạn và đội mũ bảo hiểm, có lẽ anh đã không còn sống sót. Các đồng nghiệp của anh ta đã bị thương trong vụ tấn công.

Trong khi đó, Osama Al-Kahlout, một nhà báo tự do chuyên hỗ trợ các hãng truyền thông địa phương và Ảrập cho biết, anh nhiều lần gặp rủi ro khi tác nghiệp do thiếu công cụ bảo vệ chuyên nghiệp. Al-Kahlout giống như nhiều phóng viên khác đã tìm đến các thợ may địa phương để tạo ra những chiếc áo khoác giống như áo giáp. “Ưu điểm duy nhất của nó là phân biệt một nhà báo với những người khác, nhưng hầu như không có tác dụng vì nó không có lớp giáp nào bên trong”.

“Điều thúc đẩy tôi tiến về phía trước, chấp nhận điều kiện làm việc nguy hiểm chính là trách nhiệm báo chí đối với những gì đang xảy ra tại đây. Ngoài ra cũng vì sự thiếu tin tức tiếng Anh ở Gaza nên tôi có nhiệm vụ truyền tải tới cộng đồng quốc tế không nói tiếng Ảrập về những gì đang diễn ra ở mảnh đất này”

Nour Harazin (phóng viên kênh truyền hình CGTN)

Al-Kahlout cho rằng, việc thiếu thiết bị bảo hộ và mức giá quá cao của nó khiến các nhà báo không thể mua được. Anh cho biết, giá của một chiếc áo khoác được may trong nước là khoảng 15USD, trong khi giá của một chiếc áo giáp nhập từ ngoài Gaza là khoảng 2.000USD. Đây là mức giá quá cao đối với hầu hết các nhà báo nơi này. Trong thời gian đưa tin về cuộc xung đột, Al-Kahlout thường đi phía sau các nhà báo đồng nghiệp, những người mặc áo giáp bảo hộ làm việc cho các cơ quan báo chí nước ngoài. Al-Kahlout luôn tự nhủ phải cố gắng giữ “khoảng cách an toàn” với các khu vực nguy hiểm. Nhưng anh vẫn sử dụng cách tiếp cận linh hoạt vì muốn có nhiều tấm ảnh chân thực nên cần phải đến gần mục tiêu hơn.

“Thiết bị làm giảm rủi ro, nhưng không có tác dụng bảo vệ 100%. Thời chiến, giữa các cuộc không kích và pháo kích, những công cụ này không bảo vệ hoàn toàn cho một nhà báo, nhưng chúng vẫn cần thiết và quan trọng” - ông Sami Abu Salem, thuộc Liên đoàn Nhà báo quốc tế cho biết. Ông Tahseen Al-Astal - Phó Chủ tịch Hiệp hội nhà báo Palestine cho biết, tổ chức này đã tìm nhiều cách để mua thiết bị an toàn cho các nhà báo ở Gaza, nhưng vô ích.

Các nhà báo ở vùng chiến sự Gaza vẫn bám sát công việc, bất chấp những nguy hiểm và khó khăn mà họ phải đối mặt

Các nhà báo ở vùng chiến sự Gaza vẫn bám sát công việc, bất chấp những nguy hiểm và khó khăn mà họ phải đối mặt

Không quên trách nhiệm nghề báo

Nhiếp ảnh gia Samar Abu el-Ouf cho biết, vụ đánh bom vào các trung tâm báo chí, đặc biệt là tháp Al-Galaa - nơi đặt văn phòng của hãng tin Associated Press (AP) và Al-Jazeera chứng tỏ không có lằn ranh đỏ hay cân nhắc về sự an toàn với giới truyền thông. Nhưng chính điều này đã khiến các nhà báo có thêm tinh thần hợp tác và chia sẻ không gian làm việc. Ouf tin rằng, việc cùng lúc có một đội ngũ nhiếp ảnh gia để thể hiện thực tế về chiến sự Gaza là điều cần thiết.

Phóng viên Rasha Abou Jalal của hãng tin Al-Monitor ở Gaza cũng chia sẻ trải nghiệm về cuộc leo thang mới nhất: “Nếu làm một nhà báo ở Gaza, bạn phải gạt cảm xúc của mình sang một bên về những gì đang diễn ra xung quanh để tập trung. Nếu mất khả năng tập trung, bạn sẽ mất khả năng mô tả tình huống. Hôm 16-5, khi đang viết bài về vụ 42 người, trong đó có 10 trẻ em và 12 phụ nữ bị giết hại trong cuộc tấn công trên đường al-Wehda ở trung tâm thành phố Gaza, tôi đã khóc ướt đẫm bàn phím”.

Nour Harazin, nữ phóng viên của kênh truyền hình CGTN kể: “Nhiều lần tôi cảm thấy không an toàn, đặc biệt là sau khi bị các cơ quan báo chí bị nhắm mục tiêu”. Khi được hỏi về việc hoàn thành công việc và nghĩa vụ của một người mẹ, cô nói với hãng tin Al-Monitor: “Tôi luôn đấu tranh để cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi là mẹ của 2 đứa trẻ và là con gái duy nhất của cha tôi. Vì vậy, trách nhiệm của tôi là chăm sóc các con nhỏ cũng như cha mình. Điều thúc đẩy tôi tiến về phía trước, chấp nhận điều kiện làm việc nguy hiểm chính là trách nhiệm báo chí đối với những gì đang xảy ra tại đây. Ngoài ra cũng vì sự thiếu tin tức tiếng Anh ở Gaza nên tôi có nhiệm vụ truyền tải tới cộng đồng quốc tế không nói tiếng Ảrập về những gì đang diễn ra ở mảnh đất này”.