“Chìa khóa” tăng trưởng

ANTĐ - Đầu tư phát triển năng lượng sạch đang được xem là “chìa khoá” quan trọng giúp các quốc gia châu Á vốn đang tăng trưởng kinh tế nhanh song cũng tiêu thụ nhiều năng lượng có thể phát triển bền vững hơn.

Một trạm phát điện năng lượng mặt trời ở Ấn Độ do ADB hỗ trợ xây dựng

Phát biểu tại Diễn đàn các nhà hoạch định chính sách châu Á tại Singapore ngày 25-4, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký Ủy ban LHQ về kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) Noeleen Heyzer kêu gọi, các nền kinh tế khu vực cần một thỏa thuận năng lượng mới đảm bảo năng lượng sạch hơn, bền vững hơn và dễ tiếp cận hơn để tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bà Heyzer cho rằng, châu Á cần thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng năng lượng vì tăng trưởng kinh tế châu Á hiện nay phụ thuộc tới 80% vào năng lượng hóa thạch như dầu mỏ và than đá. 

Lời kêu gọi của người đứng đầu UNESCAP được đưa ra trong bối cảnh châu Á đang lên cơn khát năng lượng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Theo Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda, tăng trưởng kinh tế và dân số của châu Á đã dẫn tới nhu cầu tăng nhanh nhất thế giới về năng lượng, tăng gấp đôi vào năm 2030. Ông Kuroda cảnh báo, nếu tiếp tục mô hình tiêu dùng này, nhu cầu năng lượng của châu Á sẽ vượt xa Bắc Mỹ, châu Âu vào năm 2050 và dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. 

Việc sử dụng quá nhiều năng lượng hoá thạch cũng góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường vốn đã tới mức báo động của châu Á cũng như cả thế giới. UNESCAP cho rằng mô hình phát triển dựa trên tiêu dùng nhiều tài nguyên và năng lượng đã góp phần biến châu Á-Thái Bình Dương thành nơi dễ bị tổn thương nhất thế giới trước các thảm hoạ thiên nhiên với số người bị tác động của các thảm hoạ này cao gấp 4 lần châu Phi và 25 lần châu Âu hoặc Bắc Mỹ. 

Chính vì thế mà việc vừa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao lại vừa tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như bảo vệ môi trường đã trở thành một bài toán hóc búa đối với không ít quốc gia châu Á. Song lời giải duy nhất cho bài toán khó này cũng đã sớm được tìm ra, đó là đầu tư và phát triển các nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng gió, địa nhiệt, năng lượng mặt trời...

Với 45,5 tỷ USD trong năm 2011, Trung Quốc - nước tăng trưởng nhanh nhất và sử dụng nhiều năng lượng nhất châu Á - hiện là nước đầu tư nhiều thứ hai thế giới cho năng lượng tái tạo sau Mỹ. Trung Quốc đang chiếm gần 50% sản lượng năng lượng được tạo ra từ gió và mặt trời của cả thế giới.

Các quốc gia khác ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều rất coi trọng và đang gia tăng nhanh đầu tư phát triển năng lượng sạch. Trong đó, Ấn Độ đã đầu từ 10,2 tỷ USD cho năng lượng sạch năm 2011, tăng tới 54% so năm trước. Ấn Độ đặt mục tiêu lắp đặt được 20GW năng lượng mặt trời từ nay đến năm 2020 với tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD và tạo thêm 2,8GW năng lượng gió với mức đầu tư 4,2 tỷ USD.

Đóng góp vào việc phát triển năng lượng sạch ở châu Á, ADB đã thông qua Sáng kiến năng lượng mặt trời châu Á với mức đầu tư 1,76 tỷ USD năm 2010 và lên tới 2 tỷ USD năm 2013 để hỗ trợ phát triển 3.000MW điện Mặt trời vào năm 2013.