Chi tiết vụ bắt cóc 3 phi công Nga
(ANTĐ) - Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực xung đột Darfur ở miền Tây Sudan đã trở thành “điểm nóng” của nạn bắt cóc với nạn nhân chính là người nước ngoài nhằm mục đích đòi tiền chuộc.
Các tay súng thuộc Quân giải phóng Darfur |
Những nạn nhân mới nhất
3 phi công Nga đã bị một nhóm tay súng không rõ danh tính bắt cóc làm con tin ở Nyala, thủ phủ vùng Nam Darfur chiều 29-8 và bị giam giữ tại khu vực phía tây Sudan. Theo Hãng thông tấn Nga, Itar-tass, những phi công này làm việc theo hợp đồng với Hãng hàng không Badr Airlines của Sudan. Đây là một hãng hàng không tư nhân có trụ sở ở Khartoum, tham gia các dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách cho nhiều hoạt động nhân đạo ở Darfur. Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra, cảnh sát và quân đội Sudan đã được huy động phong tỏa khu vực, truy tìm tung tích các phi công và những kẻ bắt cóc.
Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời ông Mikhail Margelov, phái viên đặc biệt của Nga về Sudan cho biết, 3 phi công Nga bị bắt cóc là cơ trưởng và hai thành viên phi hành đoàn của chiếc trực thăng Mi-8. Chiếc trực thăng này làm nhiệm vụ chuyên chở thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác cho phái bộ của Liên hợp quốc tới Darfur. “Chúng tôi vẫn đang liên lạc với nhà chức trách Sudan để cập nhật thông tin về vụ bắt cóc” - ông Margelov nói.
Trong khi đó, truyền thông Sudan ngày 30-8 đưa tin, Flavia Wagner, 36 tuổi, một phụ nữ Mỹ làm việc cho tổ chức từ thiện Samaritan’s Purse của Mỹ bị bắt cóc làm con tin trong nhiều tháng qua đã được trả tự do trong tình trạng sức khỏe tốt mà không mất tiền chuộc.
Mục tiêu chính là người nước ngoài
Vụ bắt cóc 3 phi công Nga là vụ thứ hai nhằm vào người nước ngoài xảy ra ở Darfur trong tháng 8-2010 và là vụ mới nhất trong hàng loạt các vụ bắt cóc ở Nyala. Trước đó, ngày 14-8, hai binh sĩ người Jordan, trong Lực lượng gìn giữ hòa bình chung Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi ở Darfur (UNAMID), đã bị bắt cóc làm con tin. Hai người này đang đi trong một chiếc xe ô tô ở Nyala thì bị 3 tay súng phục kích, nhưng họ may mắn được thả sau đó vài ngày sau những cuộc điều đình giữa Chính phủ Sudan và những bô lão bộ tộc.
Các phi công đã được thả Ngày 31-8, người phát ngôn quân đội Sudan, Sawarmi Khaled Saad và ông Margelov đều khẳng định, 3 viên phi công Nga đã được trả tự do tối 30-8 sau những cuộc đàm phán căng thẳng với những kẻ bắt cóc, tuy nhiên, thông tin về số tiền chuộc không được tiết lộ. |
Ngay sau đó, UNAMID thông báo đã kết hợp với chính quyền địa phương bắt đầu đào một “hào an ninh” quanh Nyala nhằm ngăn chặn các vụ bắt cóc mới xảy ra. Theo UNAMID, đoạn hào này sâu 2m, kéo dài khoảng 40km, dự kiến hoàn thành trong vòng 4-5 tuần, được thiết kế “để giảm phạm vi ảnh hưởng cao của tội phạm bằng điều chỉnh việc ra vào thành phố”.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong tháng 7-2010, một phi công lái máy bay trực thăng Mi-8 của Hãng hàng không UTair, Nga đã bị bắt cóc làm tù binh sau khi hạ cánh xuống Nam Darfur để đón một nhóm phiến quân tới Chad tham dự các cuộc đàm phán hòa bình. Ông ta được thả 4 ngày sau đó. Cũng trong tháng 7, 2 người Đức làm việc cho THW, một cơ quan cứu trợ thảm họa thuộc Bộ Nội vụ Đức đã được trả tự do sau khi bị những tay súng không rõ danh tính bắt cóc ở Nyala hơn 1 tháng trước đó.
Khu vực Darfur hoang tàn đã chứng kiến một làn sóng bắt cóc kể từ tháng 3-2009, thời điểm Tòa án Hình sự quốc tế chính thức buộc tội Tổng thống Sudan, Omar al-Bashir, là tội phạm chiến tranh. Cho đến nay, đã có 23 người nước ngoài bị bắt cóc trong đó có 3 phi công người Nga trên. Những bản báo cáo cho rằng việc chính quyền Sudan trả tiền chuộc nhân viên cứu trợ nước ngoài đã làm gia tăng các vụ bắt cóc, trong khi chính quyền quốc gia đông bắc Phi này thất bại trong việc bắt giữ những kẻ bắt cóc.
Nguyễn Tuyên (Tổng hợp)